Nhìn lại thế giới 2017: Nước Anh trên chặng đường Brexit chông gai
Đàm phán Brexit cũng là yếu tố chi phối mạnh mẽ tới đời sống chính trị-xã hội, thậm chí gây ra cả những mâu thuẫn trong lòng xã hội Anh, dẫu người dân Anh hiểu rằng đất nước đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, rời khỏi “mái nhà chung”, không còn chịu sự ràng buộc của EU để có quyền tự quyết hoàn toàn đối với con đường phát triển của mình.
Kết quả cuộc đàm phán Brexit năm 2017 có thể đánh giá là khả quan. Sau 6 vòng đàm phán căng thẳng, nhiều lần rơi vào bế tắc, cuối cùng thì hai bên cũng đã đồng thuận để chuyển sang giai đoạn 2 đàm phán vào năm 2018, một giai đoạn được coi là phần cốt lõi nhất trong tiến trình đàm phán Brexit: xác lập mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU sau khi Anh chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019.
Giai đoạn 1 đàm phán kết thúc với việc Anh cam kết đóng góp tài chính gần 40 tỷ bảng Anh cho EU, như một “lệ phí ly hôn”, đồng thời đảm bảo các quyền của công dân EU tại Anh và ngược lại, cũng như sẽ không có đường biên giới cứng giữa Anh và cộng hòa Ireland..
Nhìn lại 6 vòng đàm phán vừa qua giữa Anh và EU, có thể tổng quan lại một thực tế là vị thế “mặc cả” của Anh lép vế hơn so với EU, ở một chừng mực nào đó dường như London đã chấp nhận hầu hết các yêu cầu của Brussels hơn là tiến hành những cuộc thương lượng thực sự.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Thủ tướng Theresa May không ít lần đương đầu với thách thức, đặc biệt khi chính trường Anh đã bộc lộ những mâu thuẫn, chia rẽ rõ ràng và công khai trong Quốc hội và nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, thì thỏa thuận kết thúc giai đoạn 1 đàm phán để bước vào giai đoạn 2 với EU có thể xem là “cái kết có hậu” đối với bà May trong 1 năm nhiều sóng gió. Bởi trước đó, bà May từng tính sai nước cờ khi cho tiến hành tổng tuyển cử sớm với hy vọng tăng uy tín trong nước, tạo thế thuận lợi hơn trong đàm phán với EU.
Tuy nhiên, kết quả là sau bầu cử, đảng Bảo thủ đã không nắm được số ghế quá bán tại Hạ viện, trở thành chính phủ thiểu số và buộc phải liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ DUP. “Kết quả tồi” mà Thủ tướng May thể hiện trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6/2017 đã “kích hoạt” hàng loạt những cuộc “nổi loạn” trong nhóm nghị sỹ đảng Bảo thủ chống lại bà, trong khi uy tín của Công đảng đối lập lại gia tăng mạnh mẽ chưa từng thấy trong vài thập kỷ trở lại đây.
Sau nhiều sóng gió, đôi lúc tưởng chừng Thủ tướng Theresa May không thể nắm vững tay chèo, nhưng với sự điềm tĩnh, linh hoạt và mềm dẻo, bà May đã vượt qua mọi thách thức. Cho đến thời điểm này, các lực lượng chống đối, bất đồng quan điểm với Thủ tướng May trong đảng Bảo thủ đều thừa nhận nước Anh cần vai trò “thuyền trưởng” của bà ít nhất là từ nay đến hết tháng 3/2019.
Năm 2017 cũng là năm bắt đầu bộc lộ rõ nét những tác động của Brexit lên nền kinh tế Anh. Tăng trưởng kinh tế Anh bị chậm lại, đạt mức tăng khiêm tốn 1,5% trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng mạnh. Trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Anh là nước duy nhất tăng trưởng kinh tế bị chậm lại do tác động của Brexit.
Theo đánh giá mới nhất, Brexit đã làm giảm tăng trưởng Anh khoảng gần 1%. Nhiều công ty kinh doanh tại Anh bắt đầu hứng chịu thiệt hại kinh tế do Brexit đem lại, và lên tiếng chỉ trích Chính phủ Anh đã chậm chạp trong việc xử lý đàm phán Brexit khiến cho bầu không khí kinh doanh tại Anh trở nên sa sút.
Đồng bảng Anh giảm 10% kể từ tháng 6/2016, lạm phát ở Anh tăng nhanh hơn bất kỳ nước phát triển nào trên thế giới, từ 0,4% tại thời điểm tiến hành trưng cầu dân ý tháng 6/2016 lên tới 3,1% hồi tháng 11/2017. Điều này sẽ tạo sức ép cho Chính phủ Anh khi bắt đầu đàm phán giai đoạn hai vào năm 2018, bởi khi đó hai bên sẽ thương thảo vấn đề thương mại-tài chính.
Câu chuyện Brexit của năm 2018 sẽ không phải là câu chuyện về hình ảnh chính trị của Thủ tướng May bị suy giảm hay tăng lên, mà sẽ là câu chuyện nước Anh khai thác sự khác biệt giữa chính phủ các nước EU như thế nào để đạt được những mục tiêu có lợi nhất cho mình trong hiệp định thương mại dài hạn và các lĩnh vực khác với EU. Mục đích của Anh là làm sao tiếp cận vào các thị trường EU một cách tối đa nhất, cũng như giành lại được quyền tự quyết ở mức cao nhất cho nước Anh.
EU và Anh sẽ rất thận trọng khi tiến hành đàm phán liên quan đến các lĩnh vực tài chính do vai trò của ngành này đối với toàn bộ nền kinh tế khu vực. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng đẳng cấp thế giới của Anh hiện đang đóng tại London không hề đơn giản, hay dễ dàng gì để có thể chuyển sang địa điểm khác tại EU. Do tính chất quan trọng của ngành dịch vụ tài chính đối với nền kinh châu Âu, khó có khả năng sẽ xảy ra đối đầu giữa hai bên trong đàm phán. Chỉ có điều, chiến lược đàm phán đúng sẽ làm giảm thiểu những thiệt hại kinh tế dài lâu cho nước Anh.
Ngoài ra, cho dù Thủ tướng Theresa May có đạt được một thỏa thuận duy trì hầu hết nguyên trạng các hiệp định ký với EU sau khi nước Anh rời EU vào 29/3/2019, vẫn khó để sao chép y nguyên hàng loạt các văn kiện đã đình hình các mối quan hệ giữa Anh với các nước thứ ba bên ngoài EU.
Chính phủ Anh cho biết sẽ có khoảng 1.200 hiệp định mà London cần phải xem xét đánh giá lại, trong đó 200-400 hiệp định sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Anh ngay tức thì nếu Anh không kịp thay thế chúng vào “ngày Brexit”.
Điều này có nghĩa London có khoảng 14 tháng để sao chép các thỏa thuận này và đây quả là một thách thức không hề nhỏ đối với Anh. Nhiều khả năng Anh và EU đến tháng 10/2018 mới chỉ đạt được một thỏa thuận chung, chứ chưa thể đưa ra các chi tiết nhằm xác lập cụ thể mối quan hệ thời hậu Brexit giữa hai bên.
Tiến trình đàm phán gây cấn này sẽ tác động đến chính trị nội bộ của nước Anh, bởi Công đảng đối lập vô cùng mong muốn Thủ tướng May và đảng Bảo thủ của bà sẽ "tự hủy diệt" do xử lý vấn đề Brexit. Hiện nay, các chiến lược gia ở hai đảng chính trị lớn nhất của Anh đều cho rằng Công đảng sẽ có nhiều khả năng thắng cử nếu như diễn ra cuộc tổng tuyển cử sớm trước thời hạn. Do lo ngại việc Công đảng có thể lên nắm quyền, các phe phái trong đảng Bảo thủ sẽ phải dẹp lại những rạn nứt nội bộ trong năm 2018 và giữ cho được Thủ tướng Theresa May tại vị.
Năm 2018 sẽ chứng kiến những cuộc đàm phán Brexit gay cấn, quyết liệt hơn nhiều so với năm 2017 vì chủ đề thương lượng sẽ định hình tương lai quan hệ giữa Anh và EU trong nhiều thập kỷ tới. Phát biểu tại Hạ viện tổng kết giai đoạn 1 đàm phán Brexit, Thủ tướng May từng khẳng định "Chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng. Những tiến triển thời gian qua đòi hỏi sự nhường nhịn lẫn nhau giữa Anh và EU để cùng tiến về phía trước".
Câu chuyện Brexit có thể bắt nguồn từ mâu thuẫn căn bản khi EU xem giá trị châu Âu là mục đích tối thượng, trong lúc Anh đưa lợi thế kinh tế quốc gia lên hàng đầu. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể dễ dàng hơn nếu như Anh coi Brexit là con đường để nước Anh chủ động hơn trong công cuộc phát triển đất nước, còn EU coi đây là một xung lực bất ngờ, một may mắn lịch sử để tổ chức này tiến hành cuộc cải cách sâu rộng và cần thiết, biến EU thành tổ chức siêu quốc gia vững mạnh hơn.
Đó có thể là cơ sở để hai bên tiếp tục tiến trình đàm phán Brexit theo hướng thỏa hiệp, có qua có lại nhằm tìm kiếm cuộc chia tay trong hòa bình, vì lợi ích dài lâu của mỗi bên./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Vấn đề Brexit: IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh
20:44' - 20/12/2017
Theo Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế Anh sẽ được cải thiện nếu nước này đạt được một thỏa thuận thương mại tích cực với EU về Brexit.
-
Kinh tế Thế giới
Brexit: Giai đoạn chuyển giao sẽ hoàn tất vào cuối năm 2020
15:26' - 19/12/2017
Giai đoạn chuyển giao cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể kéo dài tới cuối năm 2020 và hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại mới vào tháng 1/2021.
-
Kinh tế Thế giới
Quốc hội Anh giành lại "quyền kiểm soát" tiến trình Brexit
10:40' - 14/12/2017
Chính phủ Anh ngày sẽ đánh giá lại Dự luật Brexit sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu nhất trí sửa đổi dự luật trên theo hướng gia tăng tiếng nói của Quốc hội trong tiến trình Brexit.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Trí tuệ nhân tạo: Thái Lan soạn thảo dự luật AI đầu tiên
21:09' - 16/02/2025
Luật mới sẽ đảm bảo người dùng có thể tận hưởng đầy đủ lợi ích của AI và sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm.
-
Kinh tế Thế giới
Anh chi "khủng" để bảo vệ ngành thép nội địa
19:26' - 16/02/2025
Ngày 16/2, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ bảng Anh nhằm bảo vệ ngành thép trước thách thức thuế quan mới của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
SỰ KIỆN KINH TẾ THẾ GIỚI NỔI BẬT TUẦN QUA
12:32' - 16/02/2025
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và nhôm, "không có ngoại lệ hoặc miễn trừ"; giá vàng thế giới lần đầu tiên vượt mốc 2.900 USD/ounce... là một số sự kiện nổi bật.
-
Kinh tế Thế giới
Người Đức quan tâm nhiều hơn đến xe điện
09:41' - 16/02/2025
Ông Georg Mrusek, chuyên gia ô tô tại Horváth, chia sẻ với Hãng thông tấn Đức (dpa) rằng: "Mức độ sẵn sàng mua ô tô điện ở Đức gần đây đã tăng đáng kể. Sự cởi mở đối với xe điện cũng đang tăng lên”.
-
Kinh tế Thế giới
Thái Lan định vị là trung tâm thương mại và vận tải khu vực Đông Nam Á
22:57' - 15/02/2025
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan và Australia đang tìm cách thúc đẩy hợp tác về cơ sở hạ tầng giao thông và giảm phát thải carbon trong lĩnh vực logistics.
-
Kinh tế Thế giới
Canada sẵn sàng đàm phán lại hiệp định thương mại với Mỹ trước thời hạn
15:59' - 15/02/2025
Bộ trưởng Thương mại Nội địa Canada Anita Anand cho biết Chính phủ liên bang “sẵn sàng” đàm phán lại Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico (CUSMA) trước năm 2026.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ: Gần một nửa chuyên gia dịch tễ học của CDC bị sa thải
08:34' - 15/02/2025
Tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần một nửa số chuyên gia trong chương trình dịch tễ học tinh nhuệ được biết đến với tên gọi "thám tử dịch bệnh" đã bị sa thải.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mexico "dọa" mở rộng vụ kiện các nhà sản xuất vũ khí Mỹ
08:17' - 15/02/2025
Nếu Thượng viện Mỹ thông qua sắc lệnh liệt các băng đảng ma túy vào danh sách các tổ chức khủng bố, chính phủ Mexico sẽ cân nhắc mở rộng vụ kiện nhắm vào các nhà sản xuất và phân phối vũ khí của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
IAEA: Nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl
16:20' - 14/02/2025
Ngày 14/2, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết một vụ nổ đã xảy ra trong đêm tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine.