Nhìn lại vụ ly hôn trắc trở của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên

11:59' - 14/01/2022
BNEWS Cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên khiến những người theo dõi phiên tòa không khỏi thấy xót xa, tiếc nuối.

Câu chuyện tình “thanh mai trúc mã” của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đã từng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Hai người gắn bó với nhau từ nghèo khó đến khi trở thành những doanh nhân thành đạt, sở hữu thương hiệu cà phê nổi tiếng và cùng nhau nuôi dạy 4 người con.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm chung sống, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã quyết định đâm đơn ly hôn ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên), song cuộc ly hôn nghìn tỉ đầy trắc trở giữa họ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên khiến những người theo dõi phiên tòa không khỏi thấy xót xa, tiếc nuối. Sau 10 lần hòa giải bất thành, cuối tháng 2/2019, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ.

Bà Thảo cho biết 2 vợ chồng từng trải qua quãng thời gian thực sự hạnh phúc, nhưng ông Vũ bất ngờ không quan tâm gia đình trong từ khoảng năm 2014, thậm chí đưa người phụ nữ khác về nhà; cộng thêm nhiều xích mích khiến bà không còn muốn sống chung.

Trước lời “tố” từ vợ, ông Vũ bức xúc cho biết nếu mình sai thì đừng làm tổn thương các con, thẩm phán sẽ là người hiểu rõ thật – giả của vấn đề. Trong lúc tranh cãi về chuyện tiền bạc, ông chủ Trung Nguyên từng nói 2 câu khiến nhiều người bất ngờ: “Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi đây như thế này? Có tiền với quyền để làm gì, nếu dùng mọi thủ đoạn thì còn nhân tính gì hơn?”.

Tiếc nuối cho cuộc hôn nhân của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên, chủ tọa phiên tòa đã khuyên nhủ: "Tôi động viên ông bà xem lại một lần. Bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng. Ông Vũ không có tài thì không thể nào đưa doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Chị Thảo về chăm 4 đứa con, rút khỏi HĐQT cho ông Vũ điều hành toàn bộ. Tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng mà”.

Trước lời phân tích của chủ tọa, bà Thảo đồng ý rút đơn nhưng ông Vũ không đồng ý. Khi được hỏi về lý do không chấp nhận việc vợ rút đơn, ông Vũ tâm sự: “Có người vợ nào mang mình vào nhà thương điên, có người vợ nào đẩy mình vào tù. Cuộc hôn nhân này nên kết thúc vì như vậy sẽ tốt hơn".

Cuối tháng 3/2019, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã chấp thuận họ ly hôn. Tòa ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc giao 4 con cho bà Thảo nuôi và chia bất động sản.

Thế nhưng, 2 vợ chồng này lại tiếp tục làm đơn kháng cáo, song bị Toà án nhân dân Cấp cao TPHCM bác đơn kháng cáo vào tháng 12/2019.

Ngày 5/12/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao cho bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỉ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Đối với cổ phần Trung Nguyên, tòa chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%. Tuy nhiên, tòa giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số sổ phần chung của hai vợ chồng trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên - tương đương 5.365 tỷ đồng và thanh toán lại tiền cho bà Thảo.

Đối với 13 bất động sản, tòa ghi nhận sự thoả thuận của hai bên, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỷ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỷ đồng bao gồm căn nhà trên đường Tú Xương - nơi bà và các con sinh sống.

Bà Thảo tiếp tục sở hữu số tài sản khoảng hơn 1.700 tỷ đồng là tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng. Sau khi cấn trừ ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán cho bà Thảo thêm 1.220 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2021, Toà án nhân dân Tối cao chính thức mở phiên giám đốc thẩm để xem xét vụ ly hôn giữa họ. Lúc bấy giờ, với khối tài sản chung trị giá hơn 7.900 tỉ đồng, ông Vũ được chia gần 4.700 tỉ đồng, bà Thảo nhận hơn 3.200 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, vào ngày 12/1/2022, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kiến nghị về việc xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao giải quyết vụ án “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. 

Theo kiến nghị, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng các bản án trong vụ tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có nhiều sai sót.

Cụ thể, theo viện kiểm sát, tòa cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ "là không đúng".

Tại phiên tòa sơ thẩm, phía bà Thảo đồng ý với kết quả thẩm định giá nhưng sau đó đã kháng cáo toàn bộ bản án.

Theo viện kiểm sát, do các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực và bên nguyên đơn là bà Thảo không đồng ý nên cấp tòa phúc thẩm phải định giá lại tài sản. Tuy nhiên cấp tòa phúc thẩm đã bỏ qua việc này và sử dụng kết quả thẩm định giá từ cấp sơ thẩm để giải quyết vụ án.

Cũng theo kiến nghị của Viện kiểm sát, bà Thảo là doanh nhân, quá trình giải quyết vụ án bà luôn yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền. Do đó, viện kiểm sát cho rằng tòa các cấp để ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm "quyền được kinh doanh" của bà Thảo theo quy định pháp luật.

Quyết định giám đốc thẩm buộc bà Thảo chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường trong 7 công ty là "không phù hợp quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ" được nêu trong Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng trong Luật hôn nhân và gia đình.

Các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm hai người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỉ đồng). Viện kiểm sát cho rằng quyết định này của các cấp tòa "không đảm bảo quyền lợi cho bà Thảo".

Theo viện kiểm sát, trong việc mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, tòa các cấp chưa xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong thực hiện nghĩa vụ của người chồng. Do đó cần tăng tỉ lệ phần trăm tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung để đảm bảo quyền lợi cho bà.

Từ các căn cứ trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm, hủy 2 bản án sơ và phúc thẩm về phần chia tài sản chung, giao Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục