Nhìn nhận yếu kém để chấn chỉnh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

22:23' - 23/05/2018
BNEWS Ngày 23/5, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên có cuộc đối thoại với hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp.
Ngày 23/5, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị Lãnh đạo tỉnh gặp mặt hiệp hội doanh nghiệp và các hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018. Ảnh; TTXVN

Cần thẳng thắn nhìn nhận khách quan những tồn tại hạn chế, phấn đấu cải thiện các chỉ số thành phần để nâng tổng điểm và thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thật thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả...

Đây là những vấn đề trọng tâm được thảo luận trong cuộc gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Hưng Yên với hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn, diễn ra ngày 23/5.

Các ý kiến tham gia tại cuộc đối thoại đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân, những yếu kém hạn chế của tỉnh Hưng Yên về kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2017.

Ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hưng Yên cho biết, chỉ số PCI năm 2017 của tỉnh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xếp ở nhóm tương đối thấp, đứng thứ 56/63 tỉnh thành trong cả nước.

Nguyên nhân do một số cơ quan, địa phương chưa quyết liệt thực hiện nghiêm túc đề án cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chưa tích cực và chủ động giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đa số các doanh nghiệp gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng do giá đền bù cao, thời gian thực hiện kéo dài, giá đất không thống nhất trong cùng một khu vực.

Hạ tầng các khu cụm công nghiệp chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống đường điện. Tại các khu công nghiệp Phố Nối, Tân Quang, Minh Đức... hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải chưa hoàn thiện.

Về phía các doanh nghiệp, một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, mục đích ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI, chưa nhìn nhận khách quan các quan điểm, định hướng lớn của tỉnh đối với sự nghiệp phát triển kinh tế giai đoạn hiện nay.

Tại các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Kim Động... còn có nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong khi triển khai thực hiện dự án, có hiện tượng triển khai cầm chừng, mang tính chất đối phó để chờ cơ hội chuyển nhượng ăn chênh lệch giá

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, trong số 10 chỉ số thành phần để xếp hạng PCI của Hưng Yên, chỉ số về tính minh bạch quá thấp (với thứ bậc 61/63).

Trong đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thường bị chậm, có doanh nghiệp mất sổ đỏ cần cấp mới thì gặp quá nhiều trắc trở phải bằng mọi cách này nọ. Về việc xả thải, cấp thẩm quyền yêu cầu nước xả thải phải đạt chuẩn cột A, trong khi nước cấp cho doanh nghiệp sử dụng nhiều khi chưa đạt tiêu chuẩn sạch.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Văn Lâm phản ánh, trong quá trình triển khai dự án, các doanh nghiệp còn gặp nhiều thủ tục phiền hà như: thủ tục đất đai còn phiền hà, nhiều khi cán bộ yêu cầu doanh nghiệp phải có hồ sơ hoàn công mới cấp sổ đỏ, vướng mắc nhất là khâu giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao .

Do vậy để minh bạch, tỉnh cần có quy định cụ thể về các thủ tục, giấy tờ, thời gian để doanh nghiệp không bị phiền hà nhũng nhiễu. Mặt khác, cần quan tâm giải quyết chỗ ở cho lao động, đầu tư xây dựng các lò xử lý rác thải để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Hiến kế giải pháp để nâng cao chỉ số PCI, ông Nguyễn Xuân Dương -Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên- cho rằng, các cơ quan chức năng và các địa phương phải làm sao để sự hài lòng của doanh nghiệp tăng lên, tạo động lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và mong muốn được đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách.

Theo đó cần khắc phục những tồn tại, hạn chế như: những gì chưa minh bạch công khai thì cần phải làm sáng tỏ; những gì đã có nhưng lạc hậu cần đổi mới cho phù hợp.

Mặt khác cần tuyên truyền để doanh nghiệp quan tâm đến ý nghĩa của việc đánh giá chỉ số PCI và có cái nhìn nhận khách quan, tránh tình trạng doanh nghiệp "không quan tâm, không cần biết" và đánh giá theo cảm tính.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Hưng Yên, và một số doanh nghiệp ở các huyện Kim Động, Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên đề xuất, tỉnh cần tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội hoạt động để giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nhất là đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề xây dựng, cần xem lại việc đấu thầu, bởi đang diễn ra hiện tượng nhiều doanh nghiệp làm không hết việc, nhưng có doanh nghiệp không có công trình để làm, dẫn đến tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra".

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị với lãnh đạo tỉnh những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đầu tư nhà ở cho công nhân; miễn giảm thuê đất trong cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết những khó khăn về đóng bảo hiểm cho người lao động nghiệp không thường xuyên; phát triển hệ thống giao thông, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại hạn chế cần khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Phóng cũng khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp pháp triển và thực hiện nghiêm túc theo Luật Đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tỉnh đang triển khai các cụm công nghiệp ở các huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm, Kim Động... với cơ sở hạ tầng đồng bộ, thủ tục nhanh gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng chỉ ra những bất cập trong đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa sát với thực tế; đồng thời nhấn mạnh, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 như: giảm chi phí gia nhập thị trường, cải thiện tiếp cận đất đai, nâng cao tính minh bạch, giảm thời gian, chi phí không chính thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng chất lượng đào tạo lao động và tăng cường thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Văn Phóng mong rằng các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật và địa phương, nhất là lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội cho công nhân. Tỉnh cũng kiên quyết xử lý những dự án chậm triển khai, gây ô nhiễm môi trường, những vi phạm trong thu gom, xử lý rác thải; quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức gặp gỡ, lắng nghe các phản ánh để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp và nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục