Nhìn từ 100 ngày hoạt động, kỳ vọng về một nhiệm kỳ của Thủ tướng và bộ máy Chính phủ

17:04' - 26/07/2016
BNEWS Xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân
Kỳ vọng về một nhiệm kỳ của Thủ tướng và bộ máy Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân – như lời phát biểu sau lễ tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 26/7 là điều đại biểu Quốc hội luôn mong mỏi và kỳ vọng đạt được trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa 2016 – 2021.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên lề kỳ họp Quốc hội về đánh giá sự điều hành của Chính phủ trong hơn 3 tháng qua, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng phải nhìn vào những việc Chính phủ và Thủ tướng đã làm. “Thủ tướng vừa mới lên được 4 ngày, chúng ta đã có vụ Formosa.

Lên xong, tiếp tục xử lý hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực miền Tây Nam bộ. Hạn hán lần này khốc liệt, lần đầu tiên trong vòng 100 năm trở lại đây mới bị như thế.

Chúng ta đã xử lý được Formosa và cái quan trọng nhất là định hướng của Thủ tướng trong những năm của nhiệm kỳ 2016 – 2021 là xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động. Đấy là mục tiêu mà chúng ta đang kỳ vọng vào” – ông Kiên nói.

Đại biểu nhận định Thủ tướng và Chính phủ đã tiếp nối được những thành tựu của Chính phủ nhiệm kỳ trước. Ở các khóa trước, Thủ tướng Chính phủ có bàn tròn gặp gỡ với doanh nghiệp, lần này, Thủ tướng có thêm một chương trình nữa là gặp người lao động. “Đấy là những cái mới ở trong 100 ngày. Tôi nghĩ với 100 ngày làm được như thế là nhiều” – ông Kiên đánh giá.

Còn theo đại biểu Lê Thị Thủy (Hải Dương), Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều rất quyết liệt và mong muốn có một sự đổi mới. Sau hơn 3 tháng kiện toàn, bộ máy Chính phủ đã đi vào nề nếp, tiếp tục phát huy các kết quả của nhiệm kỳ trước để lại và đã có những khởi sắc rất rõ, được nhân dân đồng tình.

“Thủ tướng là người rất quyết liệt trên các phương diện công việc, rất sâu sát trong quá trình điều hành, sâu sát trong các việc, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn và đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng. Những kết quả bước đầu nhìn thấy rất rõ” – đại biểu ghi nhận.

Đại biểu Lê Thị Thủy tin tưởng nhiệm kỳ 2016 – 2021, bộ máy Chính phủ mới, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ vận hành đồng bộ và quyết liệt, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng mà cử tri và nhân dân cả nước mong mỏi.

Thủ tướng sẽ tiếp tục kế nhiệm những thành tựu của nhiệm kỳ trước và có những đà phát triển hơn, đưa bộ máy Chính phủ vận hành cùng cả hệ thống chính trị để xây dựng và phát triển đất nước.

Đại biểu cũng tin tưởng Chính phủ sẽ thực hiện thành công Chương trình hành động 5 năm tới tại Nghị quyết 63/2016; cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận rất cao, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan trong hệ thống chính trị và đặc biệt là các đại biểu Quốc hội phải thực hiện đúng chức năng giám sát, đồng hành cùng Chính phủ để Chính phủ thực hiện tốt các giải pháp của mình.

“Mỗi thành viên Chính phủ là Tư lệnh của một lĩnh vực. Chắc chắn Tư lệnh đó sẽ sâu sát trong lĩnh vực của bộ, ngành mình, cùng với sự phối, kết hợp của những lĩnh vực khác dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ mới, Chính phủ sẽ đáp ứng được yêu cầu mà cử tri và nhân dân mong mỏi” – bà Thủy nói.

Đại biểu Lê Thị Thủy mong muốn Chính phủ thực hiện đúng theo phương châm là Chính phủ kiến tạo, phát triển và vì mục đích phục vụ tốt nhất cho nhân dân, cùng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cùng phát triển.

Còn với đại biểu Nguyễn Đức Kiên, ông mong mỏi khi Việt Nam đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, tất cả các thành viên trong xã hội và thành viên trong Chính phủ phải làm việc và sống theo quy định của pháp luật.

Luật tổ chức Chính phủ, Luật chính quyền địa phương đã quy định trách nhiệm, phân cấp đến đâu phải làm hết đến đó, trong quá trình thực hiện nếu có gì bất cập sẽ tổng kết và sửa Luật.

Có lòng tin chắc chắn Chính phủ khóa mới thực hiện thành công mô hình Chính phủ kiến tạo và phát triển, đại biểu lý giải: nghị quyết của Đảng đã có, Quốc hội đã ủng hộ, 9 vấn đề trong Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 là để triển khai Nghị quyết, những điều này đều đáp ứng mong mỏi của người dân, do vậy, chắc chắn Chính phủ sẽ thành công.

Ông cũng cho rằng việc xây dựng nhà nước kiến tạo không phải chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm của Chính phủ. Việt Nam xây dựng một nhà nước kiến tạo là vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nước ta đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bản thân người dân cũng chưa năng động, chủ động tham gia vào việc tự làm giàu cho bản thân và vẫn trông chờ vào những hỗ trợ của nhà nước.

“Nhìn lại hoạt động của các tổ chức tín dụng cho vay để phát triển doanh nghiệp, chúng ta thấy tới 80% các hoạt động đầu tư của xã hội trong khối doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nhà nước đều xuất phát từ nguồn vốn của ngân hàng, không giống như các nước khác, nguồn vốn chủ yếu là huy động từ xã hội và từ bản thân của doanh nghiệp” – ông Kiên chỉ rõ.

Theo ông, đến thời điểm hiện nay, nguồn lực trong dân vẫn còn nhưng thể chế, cơ chế còn ràng buộc và chưa tạo được niềm tin để người dân có thể bỏ vốn và hăng say lao động, vì vậy, Việt Nam phải đưa ra một mô hình là nhà nước kiến tạo để đặt mục tiêu tạo điều kiện cho mọi người khởi nghiệp. “10 năm tới có thể lại khác, có thể là nhà nước pháp quyền, không có gì là bất di, bất dịch” – ông Kiên cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục