NHNN hạ lãi suất có đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp?

12:16' - 11/07/2017
BNEWS Quyết định giảm lãi suất của NHNN mới đây liệu có đáp ứng kỳ vọng hỗ trợ lãi suất vay của doanh nghiệp hay tạo ra đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2017?
Vietcombank ngày 10/7 đã thông báo giảm lãi suất cho vay bằng VND hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành từ ngày 10/7. Vậy động thái này liệu có đáp ứng kỳ vọng hỗ trợ lãi suất vay của doanh nghiệp hay tạo ra đòn bẩy thúc đẩy tăng trường kinh tế trong những tháng cuối năm 2017?. Đây là những vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp và xã hội quan tâm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm 0,25%. Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay giảm 0,5%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã nhanh chóng đưa ra thông báo giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên gồm: phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ các lĩnh vực, ngành kinh tế này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm.

Theo các chuyên gia, trong vòng 2 năm qua Ngân hàng Nhà nước không hề giảm lãi suất, nhưng bây giờ lại giảm lãi suất điều hành, điều này đưa ra tín hiệu là Ngân hàng Nhà nước đang nới lỏng chính sách tiền tệ. Đồng thời, không chỉ giới hạn ở thị trường Việt Nam mà còn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành cho thấy nhu cầu của thị trường và những thách thức đặt ra để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% là rất lớn.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước với nhiệm vụ điều hành các chính sách tiền tệ cần triển khai các công cụ tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành có thể được xem như giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, đối với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu..., thời gian qua Ngân hàng Nhà nước không thực hiện các công cụ này trên thị trường. Đặc biệt, lãi suất tái cấp vốn là trường hợp rất hãn hữu, quy mô hỗ trợ qua những kênh như thế này rất ít.

Vì vậy, việc hạ lãi suất giảm 0,25% không mang giá trị nhiều đối với việc tiền có thể bơm ra thị trường trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng nhất của việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng "gánh vác" nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành không có nghĩa là sẽ cung tiền theo nhu cầu của các ngân hàng thương mại. Bởi Ngân hàng Nhà nước còn thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế, kiểm soát tốt tỷ lệ lạm phát.

Ngoài Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành khác cũng sẽ vào cuộc và chung tay tháo gỡ những rào cản về tăng trưởng kinh tế. Điển hình, Bộ Tài chính sẽ phải nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng thị trường chứng khoán, quá trình tái cơ cấu và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đi kèm với tăng hiệu quả đầu tư công vào doanh nghiệp.

Tại nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức gần đây, các doanh nghiệp phản ánh phải giảm các mức lãi suất cho vay xuống thì doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mới có lợi nhuận và tăng trưởng. Những ý kiến này cũng được nhiều chuyên gia đồng tình vì giảm lãi suất là điều hợp lý bởi lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Điều đó cho thấy, lạm phát đang có xu hướng giảm dần và duy trì ở mức hợp lý nên không có lý do gì phải huy động lãi suất khoảng 6% và cho vay với lãi suất khoảng 10%. Đơn cử như Thái Lan, lãi suất cho vay từ 4% - 5% và đây là lãi suất cho vay trung bình, chứ không phải là lãi suất cho vay ưu đãi.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, để thực hiện hiệu quả việc giảm lãi suất cho vay thì cần thêm các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, tránh tình trạng tăng cung tiền quá nóng lại gây áp lực lên lạm phát và tạo áp lực lên tỷ giá.

Song song với đó, nên có giải pháp để huy động được nguồn ngoại tệ đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh; đồng thời không khuyến khích chi tiêu hay chảy vào các lĩnh vực khác.

Về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Tín cho biết, việc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 0,5% bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng sẽ tác động trực tiếp 5 nhóm đối tượng được ưu tiên.

Còn các đối tượng khác không nằm trong diện này sẽ do các ngân hàng thương mại xem xét cho vay dựa trên nhiều yếu tố như: phương án kinh doanh, dòng tiền, tài sản thế chấp, lịch sử vay vốn của doanh nghiệp... Hay nói theo cách khác việc các ngân hàng cho vay vốn phụ thuộc vào các loại rủi ro, hồ sơ vay vốn của khách hàng và các điều kiện thực tế của từng ngân hàng thương mại.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường tài chính - tiền tệ có nhiều chuyển biến tích cực, thanh khoản dồi dào, lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Tín dụng tăng trưởng khả quan, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng ước tăng 8,4%; huy động vốn tăng 6,6%; cung tiền tăng 6,0% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng quý I/2017 giữ ở mức 2,55%.

Đặc biệt, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển biến rõ nét. Các tổ chức tín dụng nỗ lực mở rộng hoạt động, xử lý nợ xấu, củng cố năng lực tài chính. Đặc biệt, ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu, hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, tín dụng tăng trưởng ổn định ngay từ đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng cao, đạt 534.108 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2016 và đạt 95,7% kế hoạch 2017.

Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo đúng định hướng gồm: tín dụng khách hàng doanh nhân tăng 8,9%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng 13,9%; khách hàng thể nhân tăng 24,2%. Tín dụng ngắn hạn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với tín dụng trung và dài hạn. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn được kiểm soát, tỷ trọng dư nợ trung và dài hạn ở mức 43,9%, giảm nhẹ so với với 2016.

Tương tự, Ngân hàng Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 với các chỉ số khả quan. Trong đó tổng dư nợ thị trường 1 tăng trưởng 13,5% so với năm 2016, đạt hơn 44.960 tỷ đồng; tổng huy động thị trường 1 tăng hơn 11% so với năm 2016, đạt hơn 51.300 tỷ đồng. Đồng thời tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,67% (bao gồm cả nợ VAMC là 2,61%), đặc biệt là lợi nhuận trước thuế đạt 494 tỷ đồng, cao hơn 2% lợi nhuận năm 2016./.

>>> Các ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục