Nhộn nhịp gian hàng bình ổn giá

05:35' - 06/02/2016
BNEWS Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang đến rất gần và đây là thời kỳ cao điểm mà người dân đổ đi mua sắm.
Nhộn nhịp gian hàng bình ổn giá. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Những trung tâm thương mại và siêu thị lớn nhỏ trên khắp Hà Nội đâu đâu cũng tấp nập người mua kẻ bán. Năm nay, so với rất nhiều mặt hàng khác, các mặt hàng bình ổn giá đã thu hút được một lượng lớn khách hàng.

Để thực hiện chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2016, Hà Nội đã dành 15.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa, phục vụ cho người dân với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thực phẩm nông lâm sản Đông Nam Á, Công ty cổ phần Nhất Nam, Công ty TNHH Một thành viên chăn nuôi Việt Hưng...

Các doanh nghiệp của Hà Nội bán các mặt hàng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng; tổ chức 12 phiên chợ Việt, 9 Tuần hàng Việt, và 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán như bánh, kẹo, rượu bia, thực phẩm, nông sản… đã được doanh nghiệp cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong dịp Lễ, Tết.

Hiện Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã thực hiện kết nối cung cầu với các địa phương nhằm đưa sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng với mong muốn tạo ra được chuỗi liên kết giữa các địa phương để có sản phẩm an toàn phục vụ người dân.

Tại các siêu thị lớn như Hapro mart, Fivimart, Intimex...., hàng bình ổn giá được bày bán khá đa dạng, phong phú và ổn định hơn những năm trước; lượng khách hàng cũng tấp nập ra vào mua bán.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Vượng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết, Tổng Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Điểm bán hàng theo mô hình "Chợ Tết" từ cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đến chuẩn bị nguồn hàng với chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng phong phú nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng cho bà con ở Thủ đô nói chung và các vùng nông thôn.

Thời điểm này, các mặt hàng bán chạy nhất là bánh, mứt, kẹo, đồ khô và rượu. Chị Dung, một nhân viên bán hàng của siêu thị Intimex quận Đống Đa cho biết, năm nay sức mua tăng lên so với năm trước, người dân đến mua hàng từ rất sớm, khoảng từ ngày 22-23 tháng Chạp âm lịch là khách hàng đã đến chật kín siêu thị, họ chủ yếu mua các gói bánh kẹo làm quà biếu.

Theo chị Dung, khoảng từ 25 âm lịch trở đi, lượng khách sẽ tăng lên đáng kể và tập trung vào các mặt hàng như rau xanh, thực phẩm tươi sống.

Đối với mặt hàng bình ổn giá, chị Dung cũng cho biết, năm nay người tiêu dùng mặn mà hơn so với những năm trước; trong đó, 7 mặt hàng thiết yếu bao gồm gạo, dầu ăn, trứng, thịt lợn, thịt gà, thực phẩm chế biến, rau xanh được bán ở giá tương đương với ngày thường nên rất được quan tâm, đặc biệt là các loại rau củ có chứng nhận VietGap.

Rau xanh được bán ở giá tương đương với ngày thường nên rất được quan tâm. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Trước kệ dầu ăn bình ổn giá, hai vợ chồng ông Hoàng Văn Lai (quận Cầu Giấy) tỉ mỉ so sánh các loại dầu khác nhau và kiểm tra thời hạn sử dụng.

Ông Lai cho biết, đã nhiều năm nay, cứ 25 – 26 tháng Chạp là hai vợ chồng ông lại tới siêu thị sắm Tết, vừa chất lượng lại vừa an toàn đảm bảo. Theo ông Lai, hàng Tết năm nay phong phú, đa dạng hơn những năm trước.

Các điểm bán hàng bình ổn nhiều hơn, giá thành có tăng nhưng nhìn chung vẫn rẻ hơn so với các điểm bán lẻ bên ngoài nên ông rất tin tưởng.

Một số người dân cho biết, rau xanh và thịt tươi sống là những mặt hàng có giá thành cao hơn thị trường. Theo chị Nguyễn Phương Linh (quận Ba Đình), chị chỉ lựa chọn bánh kẹo, đồ khô, dầu ăn và một số loại thực phẩm chế biến sẵn tại điểm bán hàng bình ổn trong siêu thị, còn rau, thịt, cá chị chọn mua ở ngoài vì giá cả các mặt hàng này có sự chênh lệch khá lớn giữa các điểm bình ổn và các cửa hàng bán lẻ.

Cụ thể, tại quầy bán hàng bình ổn ở siêu thị Fivimart, thịt ba chỉ có giá 101.000 đồng/kg, thịt nạc vai có giá 98.000 đồng/kg, chân giò 99.000 đồng/kg, thịt nạc thăn có giá 107.000 đồng/kg, sườn thăn 125.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thịt trên thị trường chỉ dao động ở mức 80-95.000 đồng/kg. Giá một số loại rau củ cũng có sự tăng nhẹ như cải cúc 15,000 đồng/kg, cải xoong và rau cần ở mức 13.000 đồng/kg, cải ngọt 16.500 đồng/kg hay cải chíp 18.000 đồng/kg...

Năm nay, doanh nghiệp và người dân Thủ đô cũng quan tâm hơn tới hàng nội. Các loại bánh, mứt, kẹo, đồ uống trong nước chiếm phần lớn và được ưu tiên đặt tại những vị trí đẹp trong các siêu thị.

Ông Hoàng Thế Vinh (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, hàng Việt có chất lượng ngày càng tốt. Năm nay các mặt hàng bánh, mứt, kẹo không chỉ nhiều mà còn có mẫu mã đẹp, giá cả lại cạnh tranh hơn hẳn các loại bánh kẹo ngoại, phù hợp với điều kiện của đông đảo người dân. Gia đình ông cũng ưu tiên chọn hàng Việt khi sắm Tết.

Không khí mua sắm ngày càng tấp nập hơn trong những trung tâm thương mại và siêu thị những ngày sát Tết. Với nguồn dự trữ hàng dồi dào và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, người dân được đảm bảo sẽ có một mùa mua sắm đầy đủ, đón xuân mới yên vui./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục