Nhu cầu dầu cọ toàn cầu dự báo sẽ phục hồi mạnh từ tháng 4

17:08' - 05/04/2021
BNEWS Một nhà phân tích dầu cọ cho biết nhu cầu toàn cầu và xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ sẽ phục hồi mạnh mẽ từ từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, chủ yếu được vận chuyển đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Giám đốc trang phân tích về dầu cọ và cũng là người đồng sáng lập “Palm Oil Analytics” có trụ sở tại Singapore, Tiến sĩ Sathia Varqa cho biết người mua đang chờ giá giảm để đặt trước, và Ấn Độ sẽ dẫn đầu trong việc mua các sản phẩm từ dầu cọ trong năm nay mặc dù giá đang cao.

Phát biểu tại hội thảo về dầu cọ 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 5/4, ông Sathia cho biết, giá cao chủ yếu do nguồn cung ở Malaysia thấp bởi thị trường toàn cầu đang xem xét động lực cung cầu của Malaysia trong việc định giá dầu cọ thô (CPO), cũng như giá dầu ăn toàn cầu cao hơn.

Theo ông, Malaysia và Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 6,3 triệu tấn sản phẩm cọ sang Trung Quốc vào năm 2020.

Xuất khẩu sẽ tăng lên 6,6 triệu tấn vào năm 2021 để bù đắp cho sự thiếu hụt với xuất khẩu chính sẽ là từ Malaysia vì quốc gia này có giá CPO cạnh tranh hơn so với Indonesia.

Trong khi đó, Tổng giám đốc công ty Shanghai Pansun Cai Neng Bin cho biết, việc ngăn chặn và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi vẫn đang ảnh hưởng đến sản lượng nghiền đậu tương của Trung Quốc, và điều này đã thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng cho nhập khẩu và tiêu thụ dầu cọ.

Ông nói: “Việc giảm sản xuất nhiều loại dầu và mỡ đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dự kiến sẽ mất nhiều thời gian hơn để xây dựng lại mức tồn kho”.

Về nhu cầu toàn cầu, ông Sathia cho biết vaccine tiêm chủng phòng ngừa dịch COVID-19 và biện pháp kích thích tài khóa lớn đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao dần nhu cầu về hàng hóa trên thị trường.

Do đó, ông cho biết sản lượng dầu cọ ở Malaysia dự kiến sẽ tăng 2% lên 19,5 triệu tấn trong khi xuất khẩu sẽ tăng 3% lên 17,7 triệu tấn vào năm 2021, đồng thời cho biết thêm giá dầu cọ xuất khẩu sẽ thấp hơn từ nửa cuối năm 2021 và sẽ giảm xuống còn 3.300 ringgit (796,95 USD)/tấn từ tháng Sáu trở đi”.

Tháng trước, giá CPO đạt đỉnh 4.247,50 ringgit/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành công nghiệp dầu cọ của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục