Nhu cầu tiền mặt cuối năm sẽ không lớn

16:25' - 28/12/2021
BNEWS Theo ông Lê Anh Dũng, việc rút tiền mặt giảm bớt là dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người dân.
Tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra vào ngày 28/12, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nhu cầu rút tiền mặt tại cây ATM vào dịp cuối năm nay sẽ không lớn như mọi năm.

Theo ông Lê Anh Dũng, việc rút tiền mặt giảm bớt là dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người dân. Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển mạnh từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử; từ hệ thống ATM sang các hệ thống thanh toán khác như thanh toán 24/7, điểm thanh toán chấp nhận thẻ, thanh toán bằng di động…

“Chúng tôi tự tin nhu cầu rút tiền mặt sẽ không căng thẳng như mọi năm. Ngành ngân hàng sẽ đáp ứng được tốt nhu cầu rút tiền mặt của người dân”, ông Lê Anh Dũng nói.

Ông Lê Anh Dũng cũng cho biết, hiện Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) có thể thực hiện được khối lượng giao dịch rất lớn, mỗi ngày có thể lên tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch mà vẫn đảm bảo an toàn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt.

Trong 10 tháng năm 2021 giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ; qua kênh internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%;  thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng và xác định quản lý tiền mặt là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, điều hành. Việc bảo đảm an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã được ban hành.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022 bao gồm: kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM ...

Đồng thời, giám sát chặt để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt; hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ.

Những năm trước, gần thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao, kéo theo hệ luỵ dịch vụ đổi tiền "chui" bùng nổ. Vì vậy, từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế in tiền lẻ mới. Trước đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã từng cho biết, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhờ giảm chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm…/.

 |

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục