Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc tiếp tục tăng

07:59' - 27/06/2017
BNEWS Nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc và Ấn Độ có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 3% mỗi năm.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Tân Hoa Xã ngày 26/6 dẫn “Báo cáo phát triển năng lượng thế giới năm 2017” của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tăng đều trong tương lai gần, bất chấp xu hướng sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu.

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc tiếp tục tăng . Ảnh minh hoạ: AFP

Theo CASS, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc và Ấn Độ có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 3% mỗi năm, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ và các nước Châu Âu có thể giảm xuống dưới mức 1%/năm.

Mức dự trữ và sản lượng dầu khí của thế giới tiếp tục tăng trưởng ổn định trong khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục xu hướng tăng chậm lại hoặc thậm chí có thể sụt giảm trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung. Sản lượng khí đốt tự nhiên trên toàn cầu dự báo sẽ đạt tới 5.000 tỷ m3 vào năm 2030 và Châu Á sẽ là khu vực tiêu thụ lớn nhất, chiếm 50% lượng tiêu thụ trên toàn cầu.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Năng lượng Quốc tế thuộc CASS đồng thời là chủ biên bản báo cáo trên, ông Hoàng Hiểu Dũng cho rằng bất luận thị trường dầu khí thế giới diễn biến ra sao, tổng lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 vẫn tăng đều.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn cung-cầu và áp lực đảm bảo an ninh nguồn cung dầu khí của Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Trung Quốc cần căn cứ vào tình hình thị trường quốc tế hiện nay để tích cực thúc đẩy chiến lược tự chủ dầu khí, nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung dầu khí trung và dài hạn.

Cũng theo ông Hoàng Hiểu Dũng, nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn ở châu Á cùng với năng lực sản xuất và nhập khẩu phong phú của Trung Quốc sẽ có thể giúp nước này hiện thực hoá tham vọng trở thành trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên tại khu vực Đông Bắc Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục