Những đồn đoán của thị trường xung quanh diễn biến bất ngờ của đồng yen

15:14' - 04/10/2023
BNEWS Đồng yen giảm khoảng 12% so với đồng USD từ đầu năm đến nay, do sự phục hồi của đồng bạc xanh đã tăng tốc trong những tháng gần đây và làm phức tạp thêm triển vọng cho các ngân hàng trung ương khác.
Việc đồng yen tăng mạnh so với đồng USD trong phiên 3/10 đã khiến một số người tham gia thị trường tin rằng các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ, mặc dù những người khác cho rằng quy mô của động thái này không đủ tính thuyết phục.

Diễn biến bất ngờ đi cùng nhiều đồn đoán

Các nhà giao dịch đã thận trọng theo dõi trong nhiều tuần về khả năng giới chức Nhật Bản can thiệp nhằm chống lại sự mất giá kéo dài của đồng yen.

Trong phiên giao dịch 3/10, tỷ giá yen/USD đã có thời điểm đạt 150,16 yen/USD, mức chưa từng thấy kể từ tháng 10/2022. Tuy nhiên, sau đó đồng USD nhanh chóng giảm xuống còn 147,50 yen/USD.

Diễn biến này này đã thúc đẩy thị trường suy đoán rằng Nhật Bản một lần nữa thực hiện biện pháp mua vào đồng yen, bán ra đồng USD.

Mức 150 yen đổi 1 USD là mức mà nhiều nhà giao dịch nghi ngờ có thể là ngưỡng khiến Chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp, khi Tokyo đã nhắc nhiều tới mối lo ngại về các biến động quá mức lẫn sự suy yếu của đồng nội tệ.

Trả lời phóng viên, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết những biến bất ngờ như vậy là “không mong muốn”, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng phản ứng một cách thích hợp với “tất cả các phương án được đưa ra”.

 
Khi được hỏi liệu Nhật Bản có tiến hành can thiệp vào thị trường hay không, Bộ trưởng Suzuki cho hay ông sẽ không trả lời câu hỏi đó. Quan chức phụ trách vấn đề tiền tệ cao cấp của Nhật Bản Masato Kanda cũng từ chối bình luận về điều này.

Nhà phân tích thị trường Michael Brown tại công ty môi giới đầu tư Trader X ở London (Anh) cho biết những diễn biến hôm 3/10 có dấu hiệu của sự can thiệp từ chính phủ. Nếu không phải, thì đó cũng là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng biến động của đồng yen hôm 3/10 nhỏ hơn nhiều so với thời điểm các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản can thiệp hồi năm ngoái để hỗ trợ đồng tiền này. Đồng yen đã tăng khoảng 4% khi Nhật Bản can thiệp vào tháng 9 và tháng 10/2022, cao hơn so với mức tăng khoảng 2% của hôm 3/10.

Ông Colin Asher, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Mizuho chi nhánh London, nhận định, có thể nhiều người thực sự mong đợi một động thái can thiệp và sau đó phản ứng với những gì họ tin là can thiệp từ Chính phủ Nhật Bản.

Song ông cũng đồng ý rằng hiếm khi một đồng tiền lại biến động mạnh như vậy trong một khoảng thời gian ngắn mà không có lý do nào đó. Diễn biến như vậy thường là kết quả từ một biện pháp can thiệp.

Những áp lực của Tokyo

Chính quyền Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực đối phó với tình trạng mất giá kéo dài của đồng yen, khi các nhà đầu tư để mắt tới triển vọng lãi suất của Mỹ cao hơn trong thời gian dài hơn trong khi BoJ vẫn kiên trì với chính sách lãi suất siêu thấp.

Để hỗ trợ đồng nội tệ, chính quyền Nhật Bản cần khai thác kho dự trữ ngoại hối bằng đồng USD, bán một phần số tiền này để mua vào đồng yen. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản sẽ ra lệnh can thiệp và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện lệnh với tư cách là đại diện của Bộ.

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng cho rằng cần tìm kiếm sự hỗ trợ của các đối tác trong Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), đặc biệt là Mỹ nếu sự can thiệp liên quan đến đồng USD.

Đồng yen đã giảm khoảng 12% so với đồng USD từ đầu năm đến nay, do sự phục hồi của đồng bạc xanh đã tăng tốc trong những tháng gần đây và làm phức tạp thêm triển vọng cho các ngân hàng trung ương khác.

Cùng với đó, đồng yen đang có xu hướng yếu hơn do BoJ vẫn cam kết duy trì lãi suất cực thấp trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiến hành một đợt tăng lãi suất khác vào năm nay.

Trong một môi trường như vậy, đối với người tham gia thị trường, đồng USD có lãi suất cao hơn sẽ hấp dẫn hơn đồng yen. Ngược lại, đối với quốc gia vốn khan hiếm tài nguyên như Nhật Bản, sự suy yếu của đồng yen sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khi các công ty Nhật Bản đã chuyển sản xuất ra nước ngoài trong khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các mặt hàng, từ nhiên liệu, nguyên liệu thô đến linh kiện máy móc.

Hồi năm ngoái, Nhật Bản đã mua đồng yen vào tháng Chín - đánh dấu lần can thiệp thị trường để bảo vệ đồng nội tệ đầu tiên kể từ năm 1998 - sau khi quyết định của BoJ nhằm duy trì chính sách tiền tệ cực lỏng đã đẩy đồng tiền này xuống mức thấp nhất là 145 yen đổi 1 USD. Nước này lại can thiệp một lần nữa vào tháng 10 cùng năm, sau khi đồng yen giảm xuống mức thấp nhất của 32 năm là 151,94 yen đổi 1 USD.

Giới quan sát thị trường cảnh báo vẫn còn rất nhiều chất xúc tác để thúc đẩy đồng USD tăng thêm, có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản và các nước khác có thể phải đau đầu hơn.

Chẳng hạn, một báo cáo việc làm mạnh hơn mong đợi của Mỹ có thể củng cố lập trường “diều hâu” của Fed và thúc đẩy đồng USD tăng giá, khi đồng tiền này đang hướng tới tuần tăng thứ 12 liên tiếp so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục