Những ảo tưởng xung quanh kịch bản Brexit “không thỏa thuận” (Phần 2)

07:02' - 07/12/2017
BNEWS Oxford Economics đã tính toán những tác động của Brexit không thỏa thuận và cho biết kịch bản này sẽ cắt mất tổng cộng 2% GDP của nước Anh vào cuối năm 2020, tương đương với khoảng 40 tỷ bảng.

Cờ Anh (phía trên) và cờ EU tại Westminster, London ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Con số trên lớn hơn nhiều so với tác động mà những nước EU khác phải hứng chịu (trong đó thiệt hại nặng nhất là Ireland thì cũng chỉ ở mức xấp xỉ 1% GDP).

Trước cuộc trưng cầu dân ý, dự báo của Bộ Tài chính Anh còn đưa ra những thiệt hại lớn hơn thế. Những con số này thực sự đáng báo động trong bối cảnh dự báo tăng trưởng thường niên cho các năm sắp tới vừa được Bộ Tài chính Anh công bố đã tiếp tục giảm xuống còn 1,3%.

Tác động nặng nề nhất sẽ là do sự sụt giảm của hoạt động thương mại. Brexit không thỏa thuận sẽ đồng nghĩa với việc áp thuế đối với 90% mặt hàng xuất khẩu của nước Anh tùy theo giá trị, theo dự báo của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI).

Tổ chức này dự báo mức thuế sẽ là 4,3% với hàng xuất khẩu và 5,7% đối với hàng nhập khẩu, với một số ngành như nông nghiệp, xe hơi và may mặc chịu thiệt hại nặng nề hơn.

Và cũng theo cơ quan này, các rào cản phi thuế quan bổ sung cũng sẽ gây thiệt hại tương đương 6,5% kim ngạch xuất khẩu.

Giá thực phẩm cũng sẽ tăng: vào khoảng 2,7% với những mặt hàng bị ảnh hưởng, theo một nghiên cứu của Resolution Foundation và Đại học Sussex – và người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Một đồng bảng mất giá sau Brexit không thỏa thuận có thể đẩy lạm phát tăng cao.

Hải quan sẽ là cả một vấn đề lớn. Chỉ cần thêm hai phút chờ của một chiếc xe tải ở đầu cửa khẩu Dover, tính một cách lạc quan, cũng đồng nghĩa với những hàng xe chờ dài. Ngay cả khi nước Anh có sẵn sàng thì chưa chắc các nước khác đã xong.

Những dòng ùn tắc trên cao tốc tại Kent năm 2015 có nguyên nhân là từ phía Calais của Pháp, chứ không phải Dover. Brexit không thỏa thuận cũng nghiễm nhiên tạo ra một biên giới hải quan cứng tại Ireland, tiềm ẩn nhiều rắc rối.

Một số ngành nhất định có thể phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Anh xuất khẩu khoảng 80% lượng xe hơi sản xuất trong nước, một nửa trong số này là sang thị trường EU. Xe của Anh có thể mất các chứng chỉ tiêu chuẩn của châu Âu và phải đối mặt với mức thuế 10%, cộng thêm 2,5% thuế cho các phụ tùng được luân chuyển rất nhiều theo cả hai chiều giữa Anh và EU.

Hãng sản xuất ô tô Honda của Nhật Bản tại Anh cho biết chỉ duy trì nguồn cung phụ tùng ô tô sản xuất tại EU tương đương một nửa sản lượng lắp ráp mỗi ngày, do vậy bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc nhập hàng bổ sung cũng sẽ gây thiệt hại to lớn.

Aston Martin cho biết việc mất chứng chỉ tiêu chuẩn của châu Âu thậm chí còn khiến hãng này phải ngừng sản xuất hoàn toàn.

Ngành hóa chất và dược phẩm cũng dễ bị tổn thương. Hai ngành này đóng góp khoảng 10% giá trị sản xuất của Anh.

CBI dẫn trường hợp một công ty sản xuất mỹ phẩm của Anh phải chuyển hoạt động sang châu Âu.

Ra khỏi Euratom, không chỉ những nhà máy điện hạt nhân của Anh không thể nhập khẩu plutonium, mà việc nhập khẩu các đồng vị phóng xạ cần thiết cho điều trị ung thư không sản xuất tại Anh cũng có thể phải dừng lại.

Các hãng hàng không đặt tại Anh phải tuân theo những quy định của EU thông qua Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu. Một Brexit không thỏa thuận có nghĩa là những hãng hàng không này không còn được phép bay hợp pháp giữa Anh và EU. Anh cũng sẽ phải ra khỏi hiệp định dịch vụ hàng không song phương giữa EU và Mỹ.

Các ngân hàng cũng mất đi những “hộ chiếu” cho phép họ giao dịch trong khối EU từ London. Sẽ những cuộc tranh cãi pháp lý dai dẳng về quy chế của của nhiều hợp đồng phát sinh. Ít nhất thì Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đã thông báo rằng không ngân hàng Anh nào sẽ bị phá sản sau một kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Và còn phải kể đến vấn đề hợp tác an ninh.

Một Brexit không thỏa thuận sẽ khiến nước Anh phải rời cả Europol và thỏa thuận về Lệnh bắt giữ toàn châu Âu (EAW), nước này cũng không còn được quyền tiếp cận nhiều cơ sở dữ liệu của châu Âu về các đối tượng tình nghi tội phạm và khủng bố, gồm cả hồ sơ tên hành khách mà nước Anh đã đóng góp nhiều để phát triển.

Hoạt động chia sẻ tin tình báo có thể vẫn tiếp tục trên cơ sở song phương. Nhưng ở ngoài EAW, cho dù chỉ là tạm thời, cũng có thể nhanh chóng biến nước Anh thành một nơi ẩn náu được ưa thích của bất kỳ tên tội phạm nào từ EU, giống như Tây Ban Nha những năm 1960 và 1970.

Tất cả những ví dụ trên đều cho thấy một kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ rủi ro và tốn kém như thế nào. Và điều đó giúp làm giảm mối đe dọa về viễn cảnh không có thỏa thuận. Tuy vậy triển vọng đó vẫn có thể xảy ra, một cách ngoài ý muốn hoặc do yếu tố thời gian.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục