Những dấu hiệu cảnh báo sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu

05:30' - 22/08/2019
BNEWS Nguy cơ suy thoái kinh tế đã rõ ràng hơn khi một số quốc gia đối mặt với vấn đề mới xuất hiện. Trong khi đó, thị trường cũng có dấu hiệu cho thấy mối đe dọa của sự giảm tốc tăng trưởng đã lan đến Mỹ.
Cựu Chủ tịch FED Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo công bố ngày 14/8, sản lượng kinh tế của Đức - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - đã giảm trong quý II/2019. Cùng thời điểm này, một báo cáo khác cũng cho thấy sản lượng kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - thấp hơn so với dự kiến. 

Trước đó, thị trường tiền tệ và chứng khoán của Argentina cũng đã sụt giảm, làm dấy lên lo ngại đối với một trong những nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. 

Các nhà đầu tư đã tìm đến những lựa chọn an toàn như mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Họ thường làm như vậy trong những thời điểm không chắc chắn.

Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc 30 năm của Mỹ cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục - một dấu hiệu cho thấy dự báo về lạm phát thấp và tăng trưởng chậm lại cùng mong muốn của các nhà đầu tư đối với các tài sản an toàn. 

Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc với kỳ hạn 10 năm cũng hạ xuống dưới mức lợi suất của trái phiếu kho bạc có thời gian đáo hạn 2 năm, một hiện tượng được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược - dấu hiệu dự báo cuộc suy thoái xảy ra trước đây.

Ông Nicholas Akins, Giám đốc điều hành Công ty American Electric Power có trụ sở tại Ohio, nhận định phiên bản của thời kỳ tiền suy thoái dường như bắt đầu xuất hiện. Trong khi đó, theo bà Janet Yellen, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), kinh tế Mỹ đủ mạnh để tránh một cuộc suy thoái, song khả năng xảy ra kịch bản này đang tăng lên.

Fed đã phải cắt giảm lãi suất vào tháng Bảy vừa qua, một phần nhằm giải quyết tình trạng tăng trưởng toàn cầu chậm lại và các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Tỷ lệ lãi suất thấp hơn có thể giúp thúc đẩy đầu tư và chi tiêu bằng cách khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp đi vay.

Một yếu tố lớn đằng sau những vấn đề mới nhất là sự suy thoái trong thương mại toàn cầu do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc với màn trả đũa thuế quan theo kiểu “ăn miếng trả miếng” lên đến hàng trăm tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, gây tổn hại tới nông dân, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và những đối tượng khác.

Đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc và Đức, tình trạng thương mại đình trệ đồng nghĩa với việc sẽ sớm gặp khó khăn. Còn Mỹ, do ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn các nước khác nên họ sẽ phần nào bảo vệ được nền kinh tế của mình. 

Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đã dành hai thập kỷ qua để xây dựng mạng lưới cung ứng toàn cầu rộng lớn, vì vậy sự bất ổn về thương mại và chi phí kinh doanh thay đổi đang dẫn đến những quan ngại về đầu tư trên toàn cầu.

Các nhà kinh tế nhận định rằng xu hướng này có thể sẽ tiếp tục, nếu lợi nhuận của các công ty tiếp tục giảm. Một số nhà phân tích đầu tư cũng cho rằng dựa trên những dấu hiệu hiện nay từ sự bất ổn xung quanh một loạt vấn đề trên toàn cầu, có nhiều khả năng suy thoái sẽ diễn ra và điều này khiến các các nhà điều hành kinh doanh của Mỹ phải đau đầu.

Trong quá khứ, nhiều cuộc suy thoái diễn ra là do mức lãi suất quá cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, như vào đầu những năm 1980; vụ nổ “bong bóng” công nghệ tại Mỹ năm 2000 và 2001; sự bất ổn về tài chính như năm 2007, 2008 và 2009; hoặc một số cuộc suy thoái là do tất cả các nguyên nhân trên.

Allen Sinai, chuyên gia dự báo thuộc Decision Economics, lo ngại rằng chính các doanh nghiệp chứ không phải là hộ gia đình, ngân hàng hay Fed là yếu tố dẫn tới cuộc suy thoái tiếp theo. Nếu thu nhập của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, điều đó có thể dẫn đến sự hạn chế về đầu tư và tuyển dụng, tạo ra một quá trình tự thu hẹp.  

Ông Sinai cũng cho biết ông đồng ý với Tổng thống Trump rằng Trung Quốc đã không chơi theo luật lệ thương mại toàn cầu trong nhiều năm và cần phải giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông, các mức thuế quan mà Mỹ đưa ra nhằm trừng phạt Trung Quốc đang làm tổn thương chính Mỹ, và Washington lẽ ra có cách khác tốt hơn để làm điều đó.

Dù vậy, Mỹ không phải đối mặt với tình trạng dư thừa nghiêm trọng để phải rơi vào tình trạng căng thẳng như vào giữa những năm 2000 với sự bùng nổ nhà ở hoặc vào cuối những năm 1990 với sự tăng giá của cổ phiếu công nghệ. 

Chính vì vậy, theo ông Sinai và một số nhà kinh tế khác, nếu xảy ra suy thoái, thì cuộc suy thoái này có thể gây hậu quả nhẹ hơn. Bởi với tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập tăng và tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình hiện đang cao hơn so với thời điểm cuối những năm 1990 hoặc giữa những năm 2000, nhiều người tiêu dùng có khả năng đối phó tốt hơn với suy thoái kinh tế so với những năm trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục