Những điểm mạnh của Việt Nam trong quan hệ thương mại và đầu tư với Canada

08:02' - 09/03/2024
BNEWS Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Mary Ng đã tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp và hiệp hội của Canada, cùng đại diện thương mại, ngoại giao của Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Để chuẩn bị cho phái đoàn thương mại Canada đi thăm Việt Nam và Malaysia vào cuối tháng 3 này, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Mary Ng đã tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp và hiệp hội của Canada, cùng đại diện thương mại, ngoại giao của Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, tại sự kiện, các hiệp hội và doanh nghiệp Canada cũng đã có cơ hội hiểu hơn về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được Chính phủ Canada tích cực triển khai trong thời gian gần đây. Trong chiến lược này, Canada tập trung vào việc đẩy mạnh các mối quan hệ thương mại và đầu tư. Canada đã tổ chức phái đoàn thương mại tới Nhật Bản trong năm ngoái, mở Đại diện thương mại tại Singapore và khai trương Văn phòng nông nghiệp, nông sản tại Philippines.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Mary Ng nêu rõ Canada là một quốc gia thương mại và lĩnh vực này đang đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Canada hiện có hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực và đối tác kinh tế như Thỏa thuận thương mại Canada-Mỹ-Mexico (CUSMA), Hiệp định thương mại tự do EU-Canada (CETA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những hiệp định này góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại của Canada trong thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực thế mạnh của đất nước.

Cũng theo lời Bộ trưởng Mary Ng, kết quả trên đã thúc đẩy Chính phủ Canada chủ trương tăng cường hơn nữa sự hiện diện và quan hệ thương mại với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì đây là nơi có tăng trưởng kinh tế năng động nhất, tập trung khoảng 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2030 và sẽ chiếm một nửa GDP của thế giới vào năm 2040. Hiện tại, Canada đang xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và dự kiến hai bên sẽ có thể ký kết vào năm 2025.

 
Chia sẻ ý kiến này, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho biết, ngoài việc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do với ASEAN, Canada  và Việt Nam cũng cần chuẩn bị cơ chế hợp tác sâu hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh trong bối cảnh ASEAN đang thiết lập khuôn khổ kinh tế số khu vực. Bà Thu Quỳnh cho rằng, với tư cách Chủ tịch CPTPP năm 2024 và Nhóm G7 năm 2025, Canada có thể đóng góp nhiều hơn trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và nâng cao hiệu quả của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, Canada cũng có thể trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN thâm nhập thị trường Bắc Mỹ.

Lãnh sự Malaysia tại Canada cho rằng Canada cần khai phá "nguồn vốn" là những người nhập cư tài năng từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giúp họ thâm nhập thị trường mà không vấp phải bất đồng văn hóa. Trong khi đó, Lãnh sự Indonesia tại Canada hoan nghênh việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Canada-ASEAN và tin tưởng hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên.

Trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa Canada với Việt Nam và Malaysia đang được hỗ trợ bởi CPTPP, khi ba nước cùng là thành viên của hiệp định này. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, có khả năng mang lại nhiều cơ hội thương mại đầu tư lớn cho các doanh nghiệp Canada. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 10 tỷ USD, đánh dấu mức tăng trưởng liên tục của hai bên kể từ năm 2020. Trong khi đó, Malaysia cũng được coi là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Canada trong ASEAN, với giá trị thương mại song phương trong năm ngoái đạt gần 6 tỷ USD.   

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada, George Monize,  cho biết trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, Việt Nam được coi là một phần cốt lõi. Canada nhận thấy hai bên có nhiều cơ hội phát triển hơn khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực. Thông qua quan hệ đối tác và tiếp xúc, Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada đang cố gắng cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước những thông tin cần thiết về thị trường Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp cả trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm để họ có thể đạt được nhiều thành công hơn.

Trong khi đó, ông Remy Franzoni, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn doanh nghiệp Engram, nhận xét Việt Nam là một đối tác tuyệt vời, vì là trung tâm sản xuất toàn cầu, đang có cơ cấu dân số vàng và có tầng lớp trung lưu lớn. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp và công ty xuất khẩu của Canada thâm nhập thị trường này. Ngoài ra, Việt Nam cũng có chi phí nhân công và chi phí kinh doanh rất cạnh tranh, bên cạnh những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác và khu vực. Do vậy, ông Franzoni cho rằng Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho các doanh nghiệp Canada.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục