Những điểm mới trong Luật Sở hữu trí tuệ về sáng chế sử dụng ngân sách nhà nước

13:22' - 19/08/2022
BNEWS Ngày 19/8, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Hội nghị đã thu hút sự tham dự của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường, Hội Luật gia, các chuyên gia về luật của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Tại hội nghị, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022, trong đó tập trung những điểm mới về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; về bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Nội dung đáng chú ý được nhiều đại biểu quan tâm là những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ, theo Điều 86a bổ sung vào sau Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ, ngoại trừ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia thì quyền đăng ký được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn; nếu được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước thì phần quyền đăng ký tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn. Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký và Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tiếp đó, theo Điều 133a được bổ sung vào sau Điều 133 Luật Sở hữu trí tuệ, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng trong các trường hợp sau đây: Người nắm độc quyền sử dụng không thực hiện trong một thời gian hợp lý các biện pháp hiệu quả để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn; Việc sử dụng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, bảo đảm dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, dự kiến sắp tới Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ dự thảo quy định theo hướng các cơ quan cấp ngân sách nhà nước cho các đề tài khoa học và công nghệ sẽ có trách nhiệm xem xét cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho các mục đích xã hội.

"Quy định về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ có nhiều thủ tục, không có khái niệm đơn giản hóa thủ tục trong việc này. Luật của các nước cũng như vậy, liên quan tới tài sản nhà nước thủ tục không đơn giản. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý khoa học công nghệ là tương đối nặng nề:, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục