VCCI đề xuất bổ sung quy định chuyển đổi số trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

19:39' - 24/04/2022
BNEWS Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, việc bổ sung vào luật các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số gồm một số thủ tục cần được thực hiện trực tuyến.

Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Ban soạn thảo dự án luật xem xét bổ sung vào luật các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đang trở thành xu thế toàn cầu và là xu hướng tất yếu tại Việt Nam; nhất là trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính hay những thủ tục phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và đã từng sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Song, tới nay, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề cần sự bổ sung, điều chỉnh luật để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước; khắc phục những bất cập của luật hiện hành đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rộng khắp và mạnh mẽ. Việc sửa đổi này cũng nhằm đáp ứng các yêu cầu của cam kết quốc tế liên quan đến quyền sở hửu trí tuệ và cũng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đại diện tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, việc bổ sung vào luật các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số gồm một số thủ tục cần được thực hiện trực tuyến. như đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến.

Hiện tại dự thảo luật chỉ mới quy định nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan qua Cổng dịch vụ công trực tuyến; tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến; tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp trong khi những dữ liệu này hiện vẫn không đầy đủ và được cập nhật ổn định, kịp thời trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu Trí tuệ.

Ngoài ra, theo VCCI, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã ghi nhận và bảo hộ nhiều loại tài sản trí tuệ như: quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin hay sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, một số vấn đề chưa được làm rõ gây nhiều khó khăn trên thực tiễn triển khai.

Cụ thể như, về khái niệm bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn rất chung chung và khó hiểu.

Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Chính việc quy định tương đối chung chung, chưa rõ ràng về bí mật kinh doanh khiến việc áp dụng quy định này trong từng trường hợp phụ thuộc vào hiểu biết của cơ quan nhà nước.

Dữ liệu là lĩnh vực tương đối mới mẻ, dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước còn dè dặt trong việc áp dụng quy định này.

Điều này dẫn đến các tranh luận về việc dữ liệu nào được coi là bí mật kinh doanh và cần có cơ chế bảo hộ như thế nào. Trên thực tiễn, đã nảy sinh tình huống mất cắp dữ liệu nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ngần ngại khi coi đây là loại tài sản trí tuệ cần được bảo vệ.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng chưa xác định khái niệm “tài sản trí tuệ”, nên hiện nay, có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ.

Nếu như trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị, công trình… thì trong kinh tế số tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm, dữ liệu, hệ thống thông tin, bản quyền sách, âm nhạc, phim, chương trình giải trí, nghệ thuật… Đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí.

VCCI nhận định, bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số (công nhận các loại tài sản số, bảo vệ tài sản số trong các hợp đồng dân sự, lao động, bảo vệ tài sản số bằng pháp luật hình sự, bảo hộ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, bảo đảm giao kết hợp đồng…) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn hay thu hút được dự án đầu tư nước ngoài chất lượng tốt.

Vì lẽ đó, cần xem xét bổ sung vào Luật Sở hữu trí tuệ các chế định ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trên môi trường số, theo hướng bảo vệ quyền tài sản cá nhân, quyền sở hữu cá nhân với dữ liệu, bảo đảm và thúc đẩy các giao kết hợp đồng.

Để nâng cao năng lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số, cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc xây dựng quy định về thực thi sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số theo hướng đáp ứng các yêu cầu của cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Quy định này sẽ tạo nên một hệ thống thực thi về sở hữu trí tuệ trên môi trường số một cách thống nhất; trong đó cần có những quy định cụ thể nhằm xác định cụ thể những hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số, chủ thể xâm phạm cũng như cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục