Những điều cần biết về sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên máy bay

15:06' - 22/04/2022
BNEWS Giới chuyên gia lưu ý một số điều cần biết về sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên máy bay mà hành khách có thể quan tâm khi đi trên những chuyến bay "không khẩu trang".

Một thẩm phán tại Florida, Mỹ mới đây đã ra phán quyết bãi bỏ quy định của chính phủ bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng như máy bay, tàu hay xe buýt. Ngay lập tức, một số hãng hàng không lớn của Mỹ như như Delta Airlines, United Airlines và Southwest Airlines đã thực hiện phán quyết này.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn lây lan mạnh, nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề sức khỏe của người dân, dịch tễ học.

Giới chuyên gia lưu ý một số điều cần biết về sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên máy bay mà hành khách có thể quan tâm khi đi trên những chuyến bay "không khẩu trang" hoặc lượng lớn hành khách không đeo khẩu trang.
Cách thức lây nhiễm virus SARS-CoV-2:

Bộ lọc không khí và hệ thống thông gió được xem là những lớp bảo vệ mạnh phòng ngừa SARS-CoV-2 và một số virus khác. Đặc biệt, tần suất lọc không khí trên máy bay là 10-20 lần lọc/giờ, so với các bệnh viện chỉ 6 lần/giờ.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy hệ thống thông gió và lọc khí trên máy bay có tác dụng giảm nguy cơ mắc COVID-19 tới 99%. Do vậy, tần suất lây nhiễm SARS-CoV-2 có thể ít hơn mức người ta tưởng tượng khi có nhiều người tập trung trong không gian kín.

Một nhóm các nhà khoa học đã rà soát 18 nghiên cứu và báo cáo y tế cộng đồng về các chuyến bay được công bố trong thời gian từ ngày 24/1/2020 đến 21/9/2020, qua đó kết luận rằng việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra trên máy bay, song tương đối hiếm.

Tuy nhiên, hệ thống thông gió hoặc lọc không khí không ngăn chặn tuyệt đối sự lây nhiễm, vì 2 yếu tố sau: Trong quá trình di chuyển lên máy bay, tại những nơi tập trung đông người như khu vực cửa ra máy bay, hệ thống lọc không khí không được vận hành.

Ông Jose-Luis Jimenez, nhà khoa học về khí dung, đã ghi nhận mức độ khí CO2 trong các chuyến bay mới đây của mình, theo đó mức độ khí CO2 ở mức cao nhất là khi lên máy bay và trên đường ra đường băng để lên máy bay.

Yếu tố thứ hai là SARS-CoV-2 lây lan qua khí dung và giọt bắn. Hệ thống lọc không khí hiệu quả đối với khí dung trôi nổi trong không khí trong nhiều giờ. Tuy nhiên, thực tế, không khí cần phải được lọc trước.

Hành khách có thể hít phải virus SARS-CoV-2 trong khí dung trước khi chúng được lọc. Ngoài ra, hệ thống lọc không hiệu quả đối với các giọt bắn có kích thước lớn. Do vậy, khẩu trang là hữu hiệu nhất để chống giọt bắn.
Tiếp xúc gần

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc gần với ca mắc được phát hiện đầu tiên (tức là một người đã mắc bệnh trước khi lên máy bay và gây lây nhiễm) tác động đến nguy cơ lây nhiễm trong suốt chuyến đi.

Một nghiên cứu quy mô lớn đã truy vết toàn bộ 217 hành khách và phi hành đoàn trong một chuyến bay kéo dài 10 giờ đồng hồ từ London (Anh) đến Việt Nam hồi tháng 3/2020. Vào thời điểm đó không có quy định bắt buộc đeo khẩu trang và khẩu trang không được sử dụng rộng rãi.

Các nhà khoa học phát hiện 16 trường hợp mắc COVID-19 trên chuyến bay này (tức là trường hợp mắc thứ cấp), 12 trong số này ở khoang hạng thương gia, 2 ca mắc ở hạng phổ thông và 1 ca là thành viên phi hành đoàn.

Vai trò của tiếp xúc gần cũng được ghi nhận trong các trường hợp lây nhiễm virus khác trên máy bay. Khi rà soát 14 nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ tấn công của virus cúm là 7,5%, song 42% trong số ca mắc ngồi trong phạm vi  2 hàng ghế trước hoặc sau ca bệnh đầu tiên.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ca mắc thứ cấp không tiếp xúc gần với ca bệnh. Trong nghiên cứu về chuyến bay từ London đến Việt Nam, 2 trường hợp mắc không ở hạng thương gia, thậm chí ngồi sau 15 hàng ghế tại hạng phổ thông và một trường hợp là thành viên phi hành đoàn ngồi ở phía sau của máy bay.

Một nghiên cứu khác phát hiện rằng 11 người có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trên máy bay là ở bên ngoài phạm vi tiếp xúc thông thường (2 hàng ghế trước hoặc sau chỗ ngồi của ca bệnh đầu tiên).

Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, một nhóm khoa học đã đi trên 10 chuyến bay xuyên lục địa để đánh giá hành vi và chuyển động của những người trên máy bay và tác động đối với việc lây truyền virus.

Trong số 1.296 hành khách được quan sát, 38% rời chỗ ngồi một lần, 13% rời chỗ hai lần và 11% rời khỏi chỗ hơn 2 lần. Tổng cộng, 84% hành khách có tiếp xúc gần với một người ngồi cách họ ngoài bán kính 1 m. Những người tiếp  xúc nhiều nhất là ngồi ở hàng ghế giữa.

Do đó, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng hành khách ngồi ở hàng ghế giữa có nguy cơ mắc cao hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Tỷ lệ tấn công cao hơn đối với những hành khách ngồi ở hàng ghế có cửa sổ (7 ca trong số 28 hành khách) so với những hành khách không có cửa sổ (4 trong số 83 hành khách).
Khẩu trang

Dù ngồi chỗ nào trên máy bay, các bằng chứng cho thấy khẩu trang giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Trong chuyến bay đầu tiên có 25 ca bệnh đầu tiên, song chỉ có 2 ca mắc thứ cấp. Một trong số 2 người này ngồi cách 5 ca mắc đầu tiên 1 hàng ghế.

Trong 5 chuyến bay của hãng hàng không Emirates Airlines với hơn 1.500 hành khách, không có ca mắc thứ cấp nào được phát hiện dù có tới 58 ca mắc đầu tiên. Trên những chuyến bay này, có phục vụ ăn uống, tức là hành khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay trừ lúc ăn.

Một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên mô hình công bố năm 2021 đã phát hiện trong chuyến bay kéo dài 2 giờ đồng hồ không đeo khẩu trang, xác suất lây nhiễm trung bình là 2%. Nếu một người ngồi cạnh một ca mắc đầu tiên, xác suất lây nhiễm lên tới 60%.

Trong chuyến bay kéo dài 12 giờ không đeo khẩu trang, xác suất lây nhiễm trung bình là 10% và nếu một người ngồi cạnh ca mắc đầu tiên, xác suất lây nhiễm lên tới 99%. Trong chuyến bay 12 giờ đồng hồ, nếu tất cả hành khách đều đeo khẩu trang chất lượng phòng ngừa cao trong suốt hành trình bay, khả năng lây nhiễm sẽ giảm 73%.

Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm sẽ chỉ giảm 32% trong trường hợp hành khách đeo khẩu trang chất lượng thấp.

Nếu tất cả hành khách đều đeo khẩu trang trừ khi dùng bữa trong 1 giờ đồng hồ, khả năng lây nhiễm sẽ giảm 59% (khẩu trang chất lượng cao) hoặc 8% (khẩu trang chất lượng thấp). Một nghiên cứu mô hình khác cho thấy tác động của khẩu trang tăng lên theo số lượng hành khách trên máy bay Boeing 737.

Với chuyến bay ít hành khách, các hành khách cũng ít gần nhau, vì vậy việc đeo khẩu trang không tạo ra tác động lớn. Nhưng khi máy bay kín chỗ, các hành khách gần nhau hơn và nguy cơ lây nhiễm tăng, do đó tác động của khẩu trang rõ ràng hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục