Những điều doanh nghiệp Việt cần biết về TPP

14:22' - 29/01/2016
BNEWS Ngày 29/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với dự án Sáng kiến Phát triển khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) tổ chức hội thảo “TPP - những điều doanh nghiệp cần biết”.
Toàn cảnh hội thảo TPP - Những điều doanh nghiệp cần biết. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Ngày 29/1, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với dự án Sáng kiến Phát triển khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) tổ chức hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - những điều doanh nghiệp cần biết”. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; trong đó có TPP sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia và các liên minh kinh tế quốc tế, cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tận dụng được 30% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết quốc tế. Quan trọng hơn là đa phần các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên xuất khẩu lại là khu vực được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát huy lợi thế, đồng thời tăng tỷ lệ hưởng lợi từ các FTA, thì chính từng doanh nghiệp cần tăng cường sự chủ động và tích cực nắm vững kiến thức, thông tin về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với hàng hóa, chính sách cạnh tranh và các quy định về minh bạch, chống tham nhũng hay giải quyết tranh chấp. 

Các doanh nghiệp cần hiểu và thực thi tốt các cam kết về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về lao động và môi trường, các quy định về mua sắm công và doanh nghiệp Nhà nước, cũng như các biện pháp về phòng vệ thương mại. "Quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần nắm chắc thông tin về hiệu lực, về lộ trình thực hiện các cam kết. Đó cũng là mấu chốt quan trọng, quyết định sự thành công hay không của doanh nghiệp trong hội nhập", bà Trang khuyến nghị. 

Đại diện cho đoàn đàm phán Hiệp định TPP, bà Nguyễn Quỳnh Nga, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định bước đi để nhanh chóng gia nhập thị trường. Đương nhiên, ban đầu sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và không thể tránh khỏi những va chạm. Song với những nỗ lực giảm chi phí trong sản xuất, giảm chi phí do được đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích nghi với diễn biến và tình hình của hội nhập. Sự chủ động sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có nhiều lý giải và phân tích đối với doanh nghiệp về các cam kết nguyên liệu, nguyên tắc xuất xứ từ sợi theo các hiệp định như với Liên minh châu Âu, với các nước thành viên TPP. Bà Dung cho biết thêm, ngoài vấn đề nguyên liệu thì khó khăn trong kêu gọi đầu tư và hỗ trợ tài chính cũng đặt bài toán khó cho các doanh nghiệp ngành dệt may. 

Để thay đổi tình thế và giúp tăng tỷ lệ doanh nghiệp nội địa hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập kinh tế, Chuyên gia Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Doanh nghiệp cần luôn nhìn vào lợi thế so sánh của chính mình thay vì “phát hoảng” trước lợi thế tuyệt đối của đối thủ. Bất kỳ ai, ở đâu và lúc nào, sự tự tin và khả năng phát huy lợi thế cá nhân, lợi thế so sánh chính là bước chuẩn để doanh nghiệp vươn lên và giành vị thế trên sân chơi hội nhập, cũng như sẵn sàng cạnh tranh với bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào"./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục