Thương mại thế giới giai đoạn 2016 - 2020 sáng sủa hơn nhờ TPP

06:00' - 07/01/2016
BNEWS Thương mại thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,39% trong giai đoạn 2016-2020. Nếu xét đến tác động của TPP thì mức tăng trưởng về thương mại có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều.
Kinh tế thế giới đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh: Reuters

Bước sang một giai đoạn chuyển đổi mới, bức tranh kinh tế thế giới năm 2015 đã trở nên sáng sủa hơn khi những nỗ lực trong việc điều hành chính sách kinh tế của các quốc gia phần nào đạt được kết quả mong muốn.

Bằng việc sử dụng mô hình NiGEM, với sự cập nhật tình hình kinh tế thế giới đến hết tháng 10/2015, tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ đạt 3,86% giai đoạn 2016-2020.

Đây là bước tạo đà cho nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng cho giai đoạn 2016-2020 với sự phục hồi tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới (bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản,…) và của các lĩnh vực chủ yếu kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư.

Thương mại thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,39% trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nếu xét đến tác động của TPP thì mức tăng trưởng về thương mại có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều khi các thành viên tham gia Hiệp định này có tác động chi phối đến 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn này, thương mại nội khối châu Á sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến cầu thế giới.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, máy móc và linh kiện vận tải sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các mặt hàng xuất khẩu trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, các nước phát triển sẽ tiếp tục thặng dư trong việc xuất khẩu dịch vụ sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và điều này sẽ giúp cho việc thương mại dịch vụ được phát triển nhanh chóng.

Triển vọng dòng vốn đầu tư toàn cầu trong trung hạn sẽ phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng của các nước và các điều kiện tài chính tiền tệ toàn cầu. Khi chính sách tiền tệ tại các nước thu nhập cao được bình thường hóa trở lại, mức lãi suất trên toàn cầu sẽ tăng dần.

Theo dự báo của World Bank (6/2015), tỉ lệ dòng vốn quốc tế đổ vào các quốc gia đang phát triển/GDP sẽ giảm từ 5,4% năm 2014 xuống 5,1% GDP  vào năm 2015, 5,0% vào năm 2016 và 4,8% vào năm 2017.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù mức độ hồi phục chưa thực sự bền vững. UNCTAD (7/2015) dự báo dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sẽ phục hồi lên 1,4 nghìn tỷ USD năm 2015, 1,5 nghìn tỷ USD vào năm và 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2017.

Thị trường tiền tệ thế giới sẽ vẫn đối mặt với tình trạng biến động không ngừng. Ảnh: Reuters.

Lĩnh vực tài chính tiền tệ dự báo sẽ còn biến động mạnh trong trung hạn. Thâm hụt ngân sách của các nền kinh tế trên thế giới sẽ nhiều cải thiện hơn, nhưng nợ công sẽ vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ thế giới sẽ vẫn đối mặt với tình trạng biến động không ngừng. Giá cả các đồng tiền chính sẽ tiếp tục thay đổi kèm theo xu hướng can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối của các quốc gia đang không ngừng gia tăng. Rủi ro về chiến tranh tiền tệ đã được cảnh báo và sẽ tiếp tục có nguy cơ lớn hơn trong giai đoạn tới.

Giá cả hàng hóa sẽ có xu hướng giảm so với năm 2014 bởi giá dầu giảm mạnh. Trong trung hạn giá dầu thế giới biến động theo cung cầu thị trường về dầu, tác động của khủng hoảng địa chính trị thế giới, sự phát triển của công nghệ khai thác dầu, sự phát triển của năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, sự trở lại thị trường dầu mỏ thế giới của Iran cũng sẽ là nhân tố quan trọng tác động tới giá dầu thế giới trong trung hạn. 

Theo đó, giá dầu thế giới trong trung hạn có thể ở 3 kịch bản sau: (1) Giảm xuống mức 50 USD/thùng -- ngưỡng hòa vốn trung bình của việc khai thác dầu đá phiến vào năm 2015; (2) Giảm xuống 40 mức USD/thùng -- gần mức giá để tránh tình trạng đạt mức tích trữ tối đa; và (3) Giảm xuống mức 30 USD/thùng -- mức giá hòa vốn khai thác của Trung Đông, Bắc Irắc và Kenya và Ảrập Xêút và nhằm giành lại thị phần trước các đối thủ cạnh tranh là các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ,…

Giá dầu thế giới thậm chí có thể giảm sâu hơn dưới mức 30 USD/thùng khi Quốc hội Mỹ cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu dầu thô và khi công nghệ khai thác dầu đá phiến Mỹ được cải thiện, theo đó chi phí khai thác giảm thì giá dầu sẽ giảm theo.

Bên cạnh đó, do giá USD liên tục tăng giá đã gây áp lực lên giá kim loại quý trong suốt thời gian qua, làm vàng mất vị trí trú an toàn. Giá vàng được dự báo sẽ giảm dần đều xuống còn 1100 USD/oz năm 2025 từ mức 1163 USD/oz của năm 2020 và 1250 USD/oz  vào năm 2014.

TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới và cộng sự, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục