Những đồng tiền nào được hưởng lợi nếu đồng USD suy yếu?

10:24' - 05/10/2024
BNEWS Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã giảm 4,8% trong quý III/2024, mức giảm theo quý mạnh nhất trong gần hai năm qua.
Giới giao dịch tiền tệ đang theo dõi "thể trạng" của các nền kinh tế trên toàn thế giới để tìm cách tận dụng tốt nhất sự giảm giá của đồng USD trong bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu cắt giảm lãi suất đang tác động đến thị trường.

Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã giảm 4,8% trong quý III/2024, mức giảm theo quý mạnh nhất trong gần hai năm qua. Áp lực lên đồng USD đã gia tăng sau khi Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng trước, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020.

 
Đồng USD sẽ còn giảm thêm bao nhiêu và những đồng tiền nào sẽ được hưởng lợi có thể phụ thuộc phần lớn vào lợi suất trái phiếu chính phủ. Suốt nhiều năm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ luôn cao hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển. Điều này giúp đồng USD trở nên hấp dẫn hơn so với các đồng tiền khác. Nhưng tình hình đang thay đổi, khi Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương khác đều cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ cho thấy, giá trị ròng của các giao dịch đặt cược vào khả năng đồng USD suy yếu đã tăng lên 14,1 tỷ USD trên thị trường tương lai, mức cao nhất trong khoảng một năm. Tuy nhiên, đồng USD không chắc chắn sẽ suy yếu.

Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có thể hạn chế mức độ cắt giảm lãi suất của Fed, từ đó làm giảm khả năng đồng USD suy yếu. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có nguy cơ sẽ khiến thị trường tiền tệ biến động trong những tuần tới. Chính vì vậy, ông Jack McIntyre, nhà quản lý danh mục đầu tư của công ty Brandywine Global, cho biết các nhà đầu tư không phải đơn giản cứ bán đồng USD và mua vào các đồng tiền khác, mà phải chọn lọc kỹ càng hơn.

Số liệu kinh tế có thể là chất xúc tác cho những biến động lớn trong những ngày tới. Tháng Chín vừa qua, lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã giảm xuống dưới 2% lần đầu tiên kể từ giữa năm 2021, qua đó củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này. Đây là một yếu tố có thể khiến đồng euro suy yếu.

Về phía Mỹ, số liệu thị trường lao động dự kiến được công bố vào ngày 4/10 có thể giúp định hình các quan điểm về mức độ Fed có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.

Còn tại Nhật Bản, các nhà đầu tư cho rằng đồng yen có thể được hỗ trợ từ sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của Mỹ và Nhật Bản. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất lên 0,25% vào tháng Bảy.

Mặc dù BoJ đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không vội tăng lãi suất hơn nữa, nhưng khoảng cách ngày càng nhỏ giữa lãi suất ở Nhật Bản và Mỹ đã thúc đẩy đồng yen tăng đến 13% so với đồng USD từ mức thấp nhất trong năm 2024. Ông Natsumi Matsuba, Trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối và quản lý danh mục đầu tư của công ty Russell Investments, cho biết khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng bắt đầu cắt giảm lãi suất, các đồng tiền sẽ tăng mạnh nhất so với đồng USD là những đồng tiền như yen Nhật.

Một phân tích mới đây của BofA Global Research về mức định giá của các đồng tiền cho thấy đồng yen và đồng krone của Na Uy nằm trong số những đồng tiền bị định giá thấp nhất trong các nước phát triển, trong khi đồng USD và franc Thụy Sỹ là hai đồng tiền đang có mức định giá quá cao.

Tuy nhiên, dù thế nào thì giới đầu tư cũng phải đối mặt với khả năng biến động của thị trường tiền tệ xung quanh cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 5/11. Sự bất ổn trong những tuần trước bầu cử có thể thúc đẩy đồng USD, vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn. Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng “đồng bạc xanh” sẽ mạnh lên nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục