Những dự án Luật và nghị quyết sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong tuần tới

09:25' - 13/11/2022
BNEWS Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 (14 - 15/11), Quốc hội biểu quyết thông qua một số dự án Luật và nghị quyết.

Các dự án Luật được biểu quyết gồm: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Các dự thảo nghị quyết được biểu quyết gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về kéo dài thời thời hạn thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14; quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nội dung về bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam).

 

Một nội dung quan trọng trong tuần làm việc là Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Cùng với đó, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đồng thời thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Việc xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; đồng thời khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động này.

Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 12 điều./. 

>>>Đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục