Những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi

06:30' - 22/11/2023
BNEWS Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã sa thải hàng loạt, đóng băng tuyển dụng và cắt giảm lương kể từ năm 2022, trong bối cảnh các công ty đang phải vật lộn với nhiều khó khăn.

 

Theo trang mạng caixin.com, đợt tuyển dụng mùa Thu của các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc trong năm nay có vẻ "yên ắng" hơn so với những năm trước. Điều này phản ánh sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp và nhu cầu thay đổi.

Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã sa thải hàng loạt, đóng băng tuyển dụng và cắt giảm lương kể từ năm 2022. Hiện tượng này xảy ra khi các công ty phải vật lộn với xu hướng nền kinh tế trong nước chậm lại trong bối cảnh các quy định toàn ngành đã bị siết chặt liên tục. Có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi.

Mặc dù vậy, theo một số công ty môi giới việc làm, công tác tuyển dụng nguồn nhân lực từ các trường học của các công ty công nghệ lớn vẫn tiếp tục, nhưng nhu cầu đã giảm đi đáng kể trong năm nay so với năm 2022, tập trung vào các vị trí cao cấp.

Công ty thương mại điện tửJD.com cung cấp 8.000 vị trí việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học, nhiều nhất trong số công ty cùng ngành. Alibaba Group Holding Ltd. có kế hoạch tuyển 15.000 người, trong đó có hơn 3.000 người từ các trường đại học. Meituan có hơn 6.000 vị trí tuyển dụng ở các vị trí cấp dưới.

"Nhìn chung, những công ty Internet vẫn đang trong chế độ thu hẹp quy mô", ông Zheng Nan, người sáng lập Zhiyi Consulting, một công ty chuyên “săn đầu người”, cho biết.

Yêu cầu tuyển dụng cũng cao hơn khi các công ty tập trung nhiều vào các vị trí từ trung bình đến cấp cao. "Các công ty công nghệ lớn có mục tiêu rõ ràng cho chiến lược tài năng của họ. Một số công ty sẽ thuê người cấp cao hơn để thay thế một nhân viên cấp dưới đã rời đi", ông Zheng cho biết.

 
Giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoặc tối ưu hóa cấu trúc tài năng thường là những từ mà các công ty sử dụng. Tuy nhiên, những gì thực sự “đè nặng” lên thị trường việc làm là tăng trưởng kinh doanh chậm chạp, cạnh tranh gia tăng và những thách thức chưa từng có trong môi trường kinh doanh giữa bối cảnh công nghệ mới đang phát triển.

Ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm trong vài năm qua. Ngành này bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm chạp vào năm 2019 sau một thập kỷ bùng nổ. Nhưng nhu cầu làm việc và giải trí trực tuyến tăng vọt trong đại dịch COVID-19, dẫn đến sự tuyển dụng ồ ạt của tất cả các “gã khổng lồ” Internet.

Giai đoạn năm 2019-2021, lực lượng lao động của Tencent và ByteDance đã mở rộng từ 60.000 người lên 110.000 người và lực lượng lao động của Alibaba tăng hơn gấp đôi từ 100.000 lên 250.000 người - một phần là do việc mua lại Sun Art Retail. Số vị trí việc làm tại JD.com tăng từ 230.000 lên 380.000 người trong cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, xu hướng mở rộng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các công ty công nghệ hàng đầu đã sớm bắt đầu một kỷ nguyên mới của việc thu hẹp quy mô và cắt giảm chi phí, trong bối cảnh các quy định được siết chặt và đại dịch kéo dài.

Sự sụt giảm nhanh chóng của lực lượng lao động

 

"Hiện tại, hầu như không có công ty Internet nào ở Hàng Châu thiếu nhân viên", một nhân sự của Alibaba cho biết. Những người bị sa thải khỏi các doanh nghiệp lớn có nhiều khả năng phải đối mặt với việc bị giảm lương trong công việc mới.

Năm 2022, Alibaba đã cắt giảm 19.576 nhân viên và cắt giảm thêm 11.065 người trong 6 tháng đầu năm 2023. Tính đến ngày 30/6, tổng số việc làm của công ty là 228.700, ít hơn 30.000 việc làm so với giai đoạn cuối năm 2021. Việc cắt giảm lực lượng lao động đi đôi với tăng trưởng kinh doanh chậm hơn. Năm tài chính 2022, tăng trưởng doanh thu của Alibaba đã chậm lại, chỉ đạt 1,83% so với mức 40,72% của năm 2020 và 18,93% của năm 2021.

Nhiều biện pháp "tối ưu hóa" lực lượng lao động đang được tiến hành. Alibaba cho biết hồi tháng Ba rằng họ sẽ chia thành 6 đơn vị kinh doanh chính, được quản lý và hoạt động độc lập như một phần của quá trình chuyển đổi chiến lược thành một công ty mẹ. Khoảng 6.541 người đã không làm việc trong hai quý qua do tái cơ cấu.

Các đơn vị kinh doanh độc lập mới của Alibaba đang giành được nhiều quyền tự chủ hơn trong các quyết định về nhân sự và tiến hành hợp lý hóa lực lượng lao động của họ. Vào tháng Năm, Alibaba Cloud, công ty đã trải qua sự sụt giảm doanh thu đầu tiên trong quý I/2023, đã đặt mục tiêu cắt giảm 7% lực lượng lao động. Trong khi đó, Học viện Damo, sáng kiến nghiên cứu nội bộ của Alibaba, chuyển giao hoạt động kinh doanh lái xe tự động của mình cho Tập đoàn Cainiao và sa thải một số nhân viên.

"Mặc dù đã có ít thông báo sa thải hơn trong năm nay so với năm ngoái, nhưng tính di động tổng thể vẫn thấp", một công ty môi giới việc làm trong ngành công nghiệp Internet cho biết, "thị trường nghèo nàn và tất cả các công ty ít nhiều đều giống nhau. Về cơ bản, việc chuyển đổi công việc giữa các công ty là vô nghĩa".

Tương tự, Tencent cũng bắt đầu sa thải hàng loạt nhân viên sau khi mở rộng lực lượng lao động từ 70.000 người trong vòng hai năm lên mức đỉnh 110.000 người vào giữa năm 2022. Công ty này bắt đầu cắt giảm lực lượng lao động vào đầu năm 2023 trên diện rộng, từ mảng kinh doanh trò chơi Interactive Entertainment Group sang Nhóm Nền tảng và Nội dung, rồi đến Nhóm Kỹ thuật Công nghệ.

Tencent hiện có 104.503 nhân viên, giảm 6.212 người so với một năm trước đó. Công ty đã đóng cửa hoàn toàn các dự án không cốt lõi tại “studio trò chơi” lớn nhất của mình, nơi từng sản xuất các trò chơi nổi tiếng Honor of Kings và Peacekeeper Elite. Một nhân viên từ studio trò chơi cho biết, sau nhiều đợt sa thải và cải tổ đội ngũ, hơn một nửa trong số gần 1.000 nhân viên trong nhóm làm việc đã ra đi.

Ngoài ra, bộ phận đầu tư chiến lược của công ty, từng được biết đến với khả năng "tạo ra một Tencent khác", cũng trở nên kín tiếng hơn. "Họ từng rất tích cực, đầu tư vào hàng trăm dự án mỗi năm. Tuy nhiên sau năm 2021, khi rủi ro trở nên rõ ràng, họ bắt đầu 'gồng mình cho mùa Đông'", công ty săn đầu người cho biết.

Công ty này chia sẻ thêm: "Mặc dù không có thông báo đóng băng tuyển dụng công khai, nhưng họ thực sự đang kiểm soát tốc độ và từ từ ‘nhấn phanh’".

Vấn đề cơ bản

 

Đối mặt với thách thức từ những công ty mới tăng trưởng cao như ByteDance Ltd. và PDD Inc., các “gã khổng lồ” công nghệ khác đang dần từ bỏ hoạt động kinh doanh mới không có lợi nhuận và tập trung vào việc tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi với hy vọng bảo vệ “sân chơi” của mình.

Hồi tháng 8/2023, XPeng Inc. đã công bố kế hoạch ra mắt một thương hiệu xe điện mới hợp tác với Didi Chuxing Technology Co. Ltd. vào năm 2024.

Didi đã đạt được rất ít tiến bộ trong hoạt động sản xuất xe hơi của mình trong sáu năm qua. Hoạt động sản xuất ô tô của công ty này ghi nhận khoản lỗ 763 triệu nhân dân tệ (105 triệu USD) vào năm 2021 và 2,64 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Didi đã không thể giành được chứng nhận sản xuất xe hơi, vì vậy họ đã phải từ bỏ việc kinh doanh và đã cắt giảm lực lượng lao động xuống dưới 20.000 người vào giữa năm 2023, so với 24.400 nhân viên toàn thời gian vào cuối năm 2021.

Meituan và JD.com cũng tái tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty. Năm 2022, Meituan giảm tổng cộng 8.101 nhân viên, xuống còn 92.000 người. Việc sa thải diễn ra trong quý II/2022 và quý IV/2022, chủ yếu ảnh hưởng đến ba mảng kinh doanh không cốt lõi: Nền tảng mua nhóm nhà hàng Kuailü, dịch vụ giao hàng tươi sống tại nhà Meituan Grocery và doanh nghiệp mua theo nhóm cộng đồng Youxuan.

JD.com cũng đã trở lại với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và hậu cần cốt lõi của mình. Họ đã thu hẹp quy mô các đơn vị mua theo nhóm ở nước ngoài với số lượng nhân viên giảm xuống còn 61.000 người vào cuối năm 2022.

Bắt đầu từ năm 2023, tất cả các nhà quản lý cấp cao của JD trên một mức nhất định đều bị cắt giảm lương tiền mặt từ 10-20%, với những người ở vị trí cao hơn bị cắt giảm nhiều hơn, người sáng lập Richard Liu cho biết.

Hướng tuyển dụng mới

Kể từ đầu năm nay, sự gia tăng đáng kể nhất của ngành công nghiệp Internet Trung Quốc về nguồn nhân lực hướng tới hai lĩnh vực chính: kinh doanh ở nước ngoài và trí tuệ nhân tạo (AI).

Sau khi Alibaba tái cấu trúc thành 6 thực thể riêng biệt, trong đó Tập đoàn Thương mại Kỹ thuật số Quốc tế Alibaba, bao gồm các hoạt động thương mại điện tử quốc tế, đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 41%, dẫn đầu các ngành nghề kinh doanh còn lại của công ty.

Nhu cầu về lao động cũng đã chuyển ra nước ngoài, với Alibaba có kế hoạch lấp đầy vài trăm đến 1.000 vị trí ở Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ.

Nhu cầu lao động ở nước ngoài cũng tăng đối với các công ty Internet khác khi PDD ra mắt nền tảng thương mại điện tử Temu vào tháng 9/2022 và Didi ghi nhận tăng trưởng ở Nam Mỹ sau khi đóng cửa hoạt động tại Nam Phi và Nga.

Livestream (phát sóng trực tiếp) và AI là hai hướng việc làm chính khác trong lĩnh vực Internet. Vào tháng Tám, Alibaba bắt đầu tuyển dụng từ các trường học cho khóa 2024, mỗi công ty tập trung vào các vị trí liên quan đến công nghệ. Meituan đang tuyển dụng cho nhóm livestream của mình, theo người sáng lập Zheng Nan của Zhiyi Consulting.

JD.com đã bổ sung thêm nhiều vị trí mới cho hoạt động tuyển dụng từ các trường đại học trong năm nay, bao gồm các giảng viên AI và các nhà hoạch định trung hòa carbon, một Giám đốc điều hành của công ty cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục