Những hy vọng nào cho vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới?

11:32' - 08/10/2019
BNEWS Triển vọng cho sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã mờ đi vào thứ Hai, sau khi Washington đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc vào “Danh sách đen” cấm nhập khẩu.

Ngày 7/10, khi được hỏi về các cuộc đàm phán cấp cao trong tuần này với Trung Quốc sau hơn hai tháng gián đoạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Bắc Kinh.

Nhưng ông Trump cũng lưu ý một thỏa thuận nhanh chóng sẽ khó có thể xảy ra.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái), Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh thông báo của Nhà Trắng cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại cuộc họp kéo dài hai ngày 10-11/10 ở Washington. Đây là vòng đàm phán thứ 13 về vấn đề thương mại giữa hai nước.

Dù các thị trường và giới quan sát vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào bất cứ đột phá nào trong các cuộc đàm phán, khi cân nhắc những diễn biến và “tín hiệu nhiễu” gần đây, giới phân tích tiếp tục tỏ ra lo ngại về triển vọng thực tế cho vòng đàm phán mới này.

“Ngọn lửa” chiến tranh thương mại chưa tắt

Triển vọng cho sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã mờ đi vào thứ Hai, sau khi Washington đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc vào “Danh sách đen” cấm nhập khẩu.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 28 văn phòng và công ty an ninh công cộng Trung Quốc vào "Danh sách thực thể", bao gồm 20 cơ quan trực thuộc Chính phủ và tám công ty thương mại.

Các công ty bị đưa vào dánh sách trên bao gồm một số cái tên hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc như Hikvision (được biết đến với tên chính thức là Công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision), SenseTime Group Ltd, Megvii Technology Ltd,  Zhejiang Dahua Technology, IFLYTEK, Xiamen Meiya Pico Information và Yixin Science and Technology Co.

Một khi bị đưa vào "Danh sách đen", các công ty này không thể tiến hành mua bán các bộ phận và linh kiện từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đây, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei Technologies Co. và hơn 100 công ty liên kết của tập đoàn viện thông Trung Quốc vào danh sách này. Quyết định đó đã gây tổn hại nhiều nhà cung cấp tại Mỹ vốn phụ thuộc vào công ty viễn thông lớn nhất thế giới Huawei để tạo nguồn doanh thu, cũng như khiến Huawei gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm mới.

Trong khi các quan chức Mỹ nói rằng quyết định trên không liên quan tới việc Mỹ nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tuần này, thông báo này cho thấy những chỉ dấu rằng Washington muốn có vị thế mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài 15 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thông tin trên gần như đã phần nào làm tiêu tan những hy vọng mong manh về một sự tiến triển tại các cuộc đàm phán sắp tới, dù đã có những tín hiệu tích cực trước đó như Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow phủ nhận việc Chính phủ đang xem xét kế hoạch ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, hay hoạt động thu mua đậu tương Mỹ của các công ty Trung Quốc được đẩy mạnh trong thời gian qua.

Một thỏa thuận lớn hay chỉ từng phần?

Với rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên đã đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể chỉ đạt được một thỏa thuận đủ để giải quyết một số bất bình lớn của Washington. Nhất là trong bối cảnh xuất hiện một số thông tin cho rằng Trung Quốc đang tìm cách cắt giảm số lượng các vấn đề mà họ sẵn sàng thảo luận tại cuộc đàm phán tuần này với Mỹ

Trả lời trước báo giới ngày 7/10, Tổng thống Trump nói ông nhận thấy hai bên đang có một cơ hội để làm “một cái gì đó rất đáng kể" khi đề cập đến các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng dự kiến vào cuối tuần. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định rất muốn “một thỏa thuận lớn” và đó là những gì phía Mỹ đang nỗ lực đạt được.

Khi được hỏi liệu ông có thể chấp nhận thỏa thuận một phần hay không, Tổng thống Trump cho biết đó không phải là điều ông mong muốn, nhấn mạnh rằng hai bên đã đi xa đến mức này và phía Mỹ đang làm rất tốt. Song, Tổng thống Trump cũng thừa nhận "kết quả ưa thích" của ông không hoàn toàn chắc chắc vào thời điểm này.

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai bên chưa tìm được tiếng nói chung về những yêu cầu từ phía Mỹ rằng Trung Quốc cần phải cải thiện luật bảo vệ sở hữu trí tuệ, chấm dứt tình trạng tấn công và đánh cắp thông tin trên không gian mạng, ngừng việc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc, bên cạnh việc hạn chế trợ cấp cho ngành công nghiệp và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump đã lên tiếng đề cập đến những thiệt hại mà các đòn thuế quan của ông đã gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc, trong khi Mỹ bước vào năm tăng trưởng thứ 11 và thiết lập kỷ lục về chuỗi tăng trưởng dài nhất lịch sử nước này.

Cố kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 7/10 cũng phủ nhận rằng các số liệu kinh tế gần đây cho thấy cuộc chiến thương mại kéo dài đã gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Theo ông, những ảnh hưởng chỉ ở mức "tối thiểu" - điều mà nhiều nhà phân tích không đồng ý.

Dù tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Chín của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, nhưng số liệu tuần trước cho thấy các nhà máy của Mỹ đang có mức hoạt động thấp nhất trong 10 năm qua và dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chậm lại đáng kể.

Tuy nhiên, chuyên gia David Dollar của Viện nghiên cứu Brookings, một cựu viên chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ từng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh từ năm 2009-2013, cho rằng sẽ là quá cường điệu nếu nói kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tồi tệ.

Nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng hoạt động chế tạo và tăng trưởng “hạ nhiệt” ở Mỹ cho thấy cuộc chiến thương mại đang tạo sức ép lên cả hai nền kinh tế. Theo các tổ chức tư vấn và hội đoàn kinh doanh như Phòng Thương mại Mỹ, điều đó đang khiến việc giải quyết những tranh chấp thương mại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

10 tuần quan trọng sắp tới

Hiện giới quan sát đang cẩn trọng dõi theo cuộc đàm phán tuần này cùng 10 tuần sau đó. Giai đoạn từ đây đến cuối năm 2019 sẽ diễn ra nhiều sự kiện có thể hoặc thổi bùng “ngọn lửa” chiến tranh thương mại hoặc dập tắt chúng.

Vào ngày 15/10, vài ngày sau khi vòng đàm phán mới nhất kết thúc, Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế từ 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 30%. Ông Trump thường xuyên trì hoãn tăng thuế với hy vọng thuyết phục Trung Quốc đồng ý một thỏa thuận.

Nếu các nhà đàm phán đạt được tiến triển trong những ngày tới, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau để tiến tới một thỏa thuận vào giữa tháng 11/2019 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở Santiago (Chile) trong hai ngày 14-16/11.

Chỉ vài ngày sau, vào ngày 18/11, giấy phép tạm thời cho phép “người khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei mua các linh kiện quan trọng từ Mỹ sẽ hết hạn. Nếu Tổng thống Trump không đồng ý gia hạn cho giấy phép này, quan hệ Trung-Mỹ có thể đi vào tình trạng đóng băng sâu hơn. Và cuối cùng, vào ngày 15/12, Mỹ dự kiến sẽ áp một đợt thuế quan cuối cùng lên mọi sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục