Những kiệt tác nghệ thuật bị đánh cắp (Phần II)

10:53' - 04/09/2015
BNEWS Nhiều kiệt tác nghệ thuật bị đánh cắp còn đang lưu lạc ở đâu đó trên thế giới này và mọi sự tìm kiếm đều trở nên vô vọng tính đến thời điểm hiện tại.

Những họa sĩ bậc thầy, những nhà điêu khắc đại tài và những người thợ tài hoa đã miệt mài lao động và sáng tạo rất nhiều năm để cho ra đời những kiệt tác nghệ thuật được cả nhân loại ngưỡng mộ. Một số những tác phẩm để đời đó được may mắn bảo quản và cất giữ tại các viện bảo tàng hay trong bộ sưu tập cá nhân, những người yêu nghệ thuật còn có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, có những tác phẩm không được may mắn như vậy. Chúng đã bị đánh cắp và không biết số phận của chúng ra sao.

6. Tác phẩm “The Just Judges” của Jan Van Eyck

Đêm 10 tháng 4 năm 1934, bức tranh quý “The Just Judges” của Jan van Eyck đã biến mất khỏi nơi tác phẩm được trưng bày tại nhà thờ Saint Bavon ở thành phố Ghent (Bỉ).

“The Just Judges” là một phần trong tổng thể gồm 12 tác phẩm nghệ thuật đặt sau bệ thờ có tên “Sự say mê của loài cừu”, được dựng trong khoảng thời gian từ năm 1426 đến năm 1432.

Tác phẩm “The Just Judges” của Jan Van Eyck (Bức vẽ ở hàng cuối bên trái)

Trong vụ trộm này, chỉ riêng bức “The Just Judges” bị đánh cắp và kẻ trộm đã bày trò chơi khăm bằng cách để lại nơi bức tranh mà hắn cuỗm đi một tờ giấy ghi bằng tiếng Pháp có nghĩa là nước Đức đã lấy tác phẩm này theo Hiệp ước Versailles.

Trong vòng 7 tháng sau vụ trộm tranh quý, Chính phủ Bỉ và kẻ tự xưng là trộm tranh liên tục trao đổi qua lại về tiền chuộc. Ngày 25/12/1934, Arsene Goedertier - một chính trị gia giàu có bị tình nghi là thủ phạm – đã tiết lộ trong lúc lâm chung rằng ông là người duy nhất trên thế giới biết nơi cất giấu bức tranh đó và sẽ mang bí mật này xuống dưới mồ.

Có nhiều đồn đoán rằng tác phẩm này đã bị hủy. Tuy nhiên, do chưa có bằng chứng xác thực nên nó được xếp vào danh sách thất lạc.

7. Bức vẽ “Storm Of The Sea Of Galilee” của Rembrandt Van Rijn

Tại Viện bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston (Mỹ) ngày 18/3/1990, hai tên trộm mặc trang phục cảnh sát Boston đã đến bảo tàng với lý do cảnh sát nhận được cuộc gọi tới đây.

Với sự mạo danh này, chúng đã cuỗm đi 13 bức vẽ đang trưng bày có tổng giá trị khoảng 500 triệu USD, trong đó có tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Rembrandt là “The Storm of the Sea of Galilee”.

Bức vẽ “Storm Of The Sea Of Galilee” của Rembrandt Van Rijn

Đây là tác phẩm nghệ thuật duy nhất mà Rembrandt vẽ cảnh biển và mô tả sự kỳ diệu của Chúa Jesus khi vỗ yên biển Galilee theo như sách Phúc Âm của kinh Tân Ước đã ghi.

Vụ trộm quá dễ dàng ở Viện bảo tàng Isabella Stewart Gardner cho đến nay vẫn là vụ án liên quan đến nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ngày 18/3/2013, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tổ chức họp báo để tuyên bố thủ phạm. Tuy nhiên, họ không công bố danh tính trong khi điều tra đang tiến hành. Kể từ đó đến nay cũng không có thông báo mới nào về vụ việc này.

Đã 25 năm trôi qua kể từ lúc xảy ra vụ trộm mà những bức tranh vẫn biệt vô âm tín. Bên điều tra treo giải 5 triệu USD cho ai biết những tác phẩm đó đang bị giấu nơi đâu.

8. Tác phẩm nghệ thuật “Charing Cross Bridge, London” của Claude Monet

Họa sĩ theo trường phái ấn tượng lừng danh Claude Monet đã mô tả cây cầu ở trung tâm thủ đô London của nước Anh trong hàng loạt các tác phẩm ông sáng tác từ năm 1899 đến năm.

Dưới cây bút vẽ của ông, cây cầu hiện ra ở những thời điểm khác nhau trong ngày, lúc là ngày, lúc là đêm và bảng màu đã được ông sử dụng một cách linh hoạt, ẩn chứa những sắc thái biểu cảm khác nhau.

Tác phẩm “Charing Cross Bridge, London” của Claude Monet

Bức vẽ ra đời năm 1901 mang tên “Charing Cross Bridge, London” đã biến mất trong vụ trộm tại Bảo tàng Kunsthal ở Rotterdam (Hà Lan) tháng 10 năm 2012. Một trong những kẻ bị buộc tội trộm tranh đã khai rằng bức vẽ của Monet cùng với các bức vẽ khác cùng bị trộm đã bị mẹ hắn cho vào lò đốt để phi tang.

Mặc dù nhà chức trách phát hiện thấy còn một số dấu vết của những bức vẽ trên bếp lò, nhưng vẫn không đủ bằng chứng xác thực để kết luận vụ trộm và chỉ có thể xếp chúng vào diện thất lạc.

9. 8 quả trứng Phục sinh nạm đá quý và kim loại quý

Bộ sưu tập các quả trứng Phục sinh từ thời Vương triều Alexander III và Nicholas II của Nga vốn cực kỳ nổi tiếng.

Những quả trứng Phục sinh này được nạm đá quý và kim loại quý do ông Peter Carl Fabergé làm riêng cho hoàng gia Nga trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến năm 1917. Bộ sưu tập này gồm 52 quả trứng Phục sinh nổi tiếng với tên gọi trứng Fabergé.

Trứng Phục sinh nạm đá quý và kim loại quý

Những quả trứng nhìn như món đồ trang sức rất tinh xảo với các chi tiết bằng kim loại quý, có răng và bánh răng theo cơ chế đồng hồ.

Năm 1918 khi những người thuộc Đảng Bolsheviks (Bôn-sê-vích) nổi dậy đánh chiếm nhà đấu giá Fabergé và Cung điện Czar ở St. Petersburg, những quả trứng Phục sinh đã bị lấy đi và chuyển về Điện Kremlin. Sau đó, một số quả trứng Phục sinh được bán cho các nhà sưu tập tư nhân, một số bị mất cắp và một số nằm rải rác ở các viện bảo tàng trên khắp thế giới.

Hiện tại, 8 quả trứng Phục sinh không thấy tăm hơi. Mỗi quả có giá trên một triệu USD và theo đồn đoán thì chúng đang nằm rải rác khắp thế giới, từ châu Âu tới Mỹ và khu vực Nam Mỹ.

10. Bức vẽ “The Lovers: The Poet’s Garden IV” của Vincent Van Gogh

Ngày 21/10/1888, họa sĩ thiên tài Vincent Van Gogh đã viết những dòng sau gửi cho em trai Theo, người quan trọng nhất trong cuộc đời họa sĩ:

Đây là một bản phác thảo rất mơ hồ về bức vẽ cuối cùng của anh, có một hàng cây bách xanh dưới bầu trời màu hồng với một khoảng trời vàng chanh nhạt. Cận cảnh là nền đất lờ mờ, có cả cát và vài cây ké. Hai người yêu nhau, người đàn ông trong trang phục màu xanh nhạt, đầu đội chiếc mũ màu vàng, người phụ nữ mặc áo hồng và chân váy đen".

Bức tranh sơn dầu “The Lovers: The Poet’s Garden IV” có thể đã hoàn thành trong cùng năm đó.

Bức vẽ “The Lovers: The Poet’s Garden IV” của Vincent Van Gogh

Trong nửa cuối thập niên 1930, Adolf Hitler nắm trong tay rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp khỏi tay các nhà sưu tập cá nhân cũng như các viện bảo tàng, trong đó có bức vẽ “The Lovers: The Poet’s Garden IV”.

Tên trùm phát xít này dự định tạo ra một bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất thế giới với nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ thế kỷ trước đã bị đánh cắp.

Bất chấp nỗ lực gìn giữ và bảo vệ “kho báu” văn hóa của Những người hùng nghệ thuật đến từ Mỹ khi châu Âu rơi vào chiến tranh loạn lạc, bức tranh sơn dầu “The Lovers: The Poet’s Garden IV” vẫn biến mất sau Thế chiến II và đến nay không ai biết nó lưu lạc ở phương trời nào.

Trang Nhung (Theo Listverse)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục