Những lần can thiệp vào thị trường tiền tệ của Chính phủ Nhật Bản

07:35' - 23/04/2022
BNEWS Đồng yen giảm giá mạnh khiến các nhà đầu tư cảnh giác rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường mở để hỗ trợ đồng tiền này.
Đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ lần gần nhất Chính phủ Nhật Bản can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối và hơn hai thập kỷ đã đi qua kể từ khi nước này can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ.

Dưới đây là lịch sử các đợt can thiệp vào thị trường ngoại hối mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thực hiện:

 
Năm 1973:  Các cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản quyết định thả nổi tự do đồng yen so với đồng USD.

Năm 1985: Nhóm Năm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, tiền thân của nhóm G7, đã ký Hiệp định Plaza, trong đó nhất trí rằng đồng USD được định giá quá cao và họ sẽ hành động để làm suy yếu nó.

Năm 1987: Vào tháng 2/1987, sáu trong số các quốc gia G7 ký Hiệp ước Louvre, nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngăn chặn sự suy giảm mạnh của đồng USD.

Năm 1988: Vào ngày 4/1/1988, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất so với đồng yen kể từ sau Thế chiến thứ hai là 120,45 yen/USD. BoJ đã can thiệp bằng cách mua USD và bán yen.

Năm 1991-1992: BoJ can thiệp thị trường nhằm hỗ trợ đồng yen, bán đồng USD.

Năm 1993: BoJ bán ròng đồng yen trong gần như cả năm để hạn chế sức mạnh của đồng tiền này.

Tháng 4/1994 - tháng 8/1995: Đồng USD giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng mark Đức và mức thấp nhất hậu Thế chiến thứ hai so với đồng yen. Mỹ liên tục can thiệp vào thị trường , cùng với BoJ và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) để nâng đỡ đồng bạc xanh.

Năm 1997 – 1998:  Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á chứng kiến đồng yen suy yếu xuống gần mức 148 yen/USD, ngay cả sau khi các nhà chức trách Mỹ cùng với BoJ mua vào đồng yen.

Tháng 1/1999- tháng 4/2000: BoJ thực hiện bán đồng yen ít nhất 18 lần, bao gồm một lần thông qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một lần qua ECB, do lo ngại đồng yen mạnh sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế.

Tháng 9/2001: BoJ can thiệp để bán đồng yen sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ.

Tháng 5-6/2002: BoJ can thiệp để bán đồng yen với sự hỗ trợ của Fed và ECB.

Tháng 3/2004: Chính phủ Nhật Bản kết thúc chiến dịch kéo dài 15 tháng nhằm kiềm chế sự tăng giá của đồng yen, trong đó Nhật Bản chi tổng cộng 35.000 tỷ yen (hơn 300 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường.

Ngày 15/9/2010: Lần đầu tiên trong sáu năm, Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng việc bán đồng yen để ngăn chặn đà tăng giá của đồng tiền này sau khi đồng USD chạm mức thấp nhất trong 15 năm, ở mức 82,87 yen/USD.

Ngày 18/3/2011:  Các quốc gia G7 cùng nhau can thiệp để ngăn chặn sức mạnh của đồng yen khi đồng tiền này tăng vọt lên mức cao kỷ lục sau trận động đất lớn, do suy đoán rằng các công ty Nhật Bản sẽ chuyển tài sản từ nước ngoài về để chi trả cho việc tái thiết.

Tháng 8 và tháng 10/2011: Nhật Bản can thiệp để hạn chế đà tăng của đồng yen, khiến các quan chức nước này lo ngại sẽ làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế sau một đợt suy thoái do trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 gây ra./.

>>>BoJ có thể nâng dự báo lạm phát nhưng vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục