Những lưu ý điều chỉnh nguyện vọng “thông minh”, tăng khả năng trúng tuyển

16:32' - 29/07/2021
BNEWS Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi mình đạt điểm cao tham gia xét tuyển để có lợi thế.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm và phổ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 đợt 1, nhiều chuyên gia nhận định: Một số khối ngành sẽ tăng điểm chuẩn do số lượng bài thi môn thành phần có điểm cao hơn so với năm 2020.

Cùng với đó, nhiều cơ sở đại học sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh cũng góp phần khiến điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cao hơn. Do vậy, các thí sinh nên cân nhắc, xem xét các yếu tố để điều chỉnh nguyện vọng hợp lý, đảm bảo “tấm vé” vào đại học.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, một chương trình đào tạo…

Điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, việc xét tuyển sẽ có thuận lợi hơn do dải điểm rộng hơn, các trường có thuận lợi trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Năm nay, các trường thuộc các nhóm tuyển sinh khác nhau đều không gặp khó khăn do các thí sinh tham dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đều tăng khá so với năm trước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cho rằng, ngoài việc điểm một số môn thi cao hơn 2020, việc các trường đại học đã dành lượng tương đối chỉ tiêu cho các phương thức khác như: xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỷ lệ xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ giảm nhất định.

Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào đại học năm nay có thể nhỉnh hơn các năm trước.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, hiện phần mềm cũng hỗ trợ các trường trong việc quy định mức điểm trúng tuyển đối với từng tổ hợp của một ngành hoặc các chỉ tiêu từng ngành.

Căn cứ vào phổ điểm của các khối thi và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, bằng kinh nghiệm của mình, các trường hoàn toàn có thể xem xét, cân nhắc và quyết định độ lệch điểm giữa các tổ hợp và chỉ tiêu tuyển sinh giữa các tổ hợp.

Quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng). Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách).

Vì vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi mình đạt điểm cao tham gia xét tuyển để có lợi thế.

Với việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh có nhiều cơ hội (3 lần) để thay đổi nguyện vọng một cách phù hợp, chính xác nhất dựa trên kết quả thi Trung học Phổ thông của mình. Trên thực tế, một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất vào một trường đại học với nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể.

Phân tích phổ điểm của một số tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: So với năm 2020, phổ điểm của 3 tổ hợp xét tuyển (A00, A01 và B00) có dáng điệu tương tự, tuy nhiên, có một số thay đổi nhỏ.

Đối với tổ hợp A00, đỉnh (tổng điểm có nhiều thí sinh nhất) là 23 điểm, tương tự năm 2020. Mặc dù điểm trung bình giảm hơn so với năm 2020 nhưng số thí sinh đạt mức điểm 17-25 điểm cao hơn so với năm 2020. Tổ hợp B00, số thí sinh đạt mức điểm 17-23 cũng tăng lên so với năm 2020, đỉnh là 21 điểm. Biến động lớn nhất xảy ra ở tổ hợp A01, phổ điểm dịch sang phải so với năm 2020; đỉnh là 22 điểm nhưng số lượng thí sinh được 21-27 điểm tăng hơn hẳn so với năm 2020.

Nhằm giúp các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng “thông minh”, tăng khả năng trúng tuyển như ý muốn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên lưu ý các em cần rà soát lại các ngành và trường đại học đã lựa chọn dựa trên sở thích, năng lực của bản thân, xem kỹ các điều kiện và tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng trường.

Bên cạnh đó, các em nên tranh thủ thời gian tìm hiểu thêm thông tin về các ngành nghề (nội dung đào tạo, cơ hội việc làm hoặc cơ hội học lên cao sau khi tốt nghiệp). Đây là việc kết hợp giữa “nhìn gần” và “nhìn xa”, lắng nghe chính mình.

Một việc quan trọng không thể bỏ qua là các em cần xem thông tin điểm chuẩn 1-2 năm gần đây của các ngành dự định đăng ký và phổ điểm các môn thi để có dự đoán về xu hướng tăng hay giảm của điểm chuẩn. Dự đoán được điểm chuẩn là việc không đơn giản. Tuy nhiên, các em có thể tham khảo trang thông tin tuyển sinh của Trường và các báo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh, nếu điểm thi không được như mong muốn, các em cần bình tĩnh quan sát xem điểm của mình so với phổ điểm năm nay ra sao? Điểm có thấp hơn so với mặt bằng chung không? Nếu có thì là bao nhiêu? Các em cũng cần xem lại điểm chuẩn của ngành, trường năm 2020 mà các em đã đăng ký, so sánh xem điểm mình đạt được có thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn năm 2020 không?

Nếu điểm của các em chỉ thấp hơn một chút (tầm 0,25-1,0) so với điểm chuẩn năm trước của các ngành đã chọn thì nguyện vọng 1 và 2 vẫn nên để là những ngành mình yêu thích. Các nguyện vọng tiếp theo là những ngành có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi của mình. Để chắc chắn đỗ đại học, nên đặt thêm 2-3 nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi của mình 1-3 điểm.

Trường hợp điểm thi thấp hơn so với mặt bằng chung, thấp hơn quá nhiều so với điểm chuẩn của ngành, trường mà các em đã đăng ký cần phải cân nhắc, điều chỉnh các nguyện vọng phù hợp với điểm thi theo chiến lược tương tự như trên. Không nên chọn các ngành có dự báo điểm chuẩn cao hơn nhiều, ví dụ từ 3-5 điểm, so với điểm thi thực tế. Dù điểm thế nào, chỉ cần đạt trên điểm sàn, nếu khéo léo, thí sinh vẫn có cơ hội trúng tuyển vào ngành gần hoặc ngành tương tự ngành mình mong muốn.

Thực tế các năm trước, có những em đạt điểm cao, 25 - 26 điểm nhưng vẫn trượt đại học hoặc trúng tuyển vào ngành ít mong muốn. Do vậy, dù điểm thi khả quan, các em vẫn nên thực hiện chiến lược điều chỉnh nguyện vọng xếp theo thứ tự yêu thích kết hợp với điểm chuẩn từ cao xuống thấp: 2-3 nguyện vọng đầu là những ngành ưu tiên nhất và dự báo điểm chuẩn có thể bằng hoặc thậm chí cao hơn điểm thi thực tế 1-1,5 điểm. Nếu dự báo điểm chuẩn của các nguyện vọng 1-2 thấp hơn điểm thi, vẫn nên chọn thêm một số ngành ưa thích có dự báo điểm chuẩn thấp hơn nữa cho an toàn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh lấy ví dụ: Nếu thí sinh thích công nghệ thông tin, có rất nhiều trường cùng đào tạo lĩnh vực này. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ thông tin như: Toán – Tin, Khoa học Dữ liệu, Máy tính và Khoa học thông tin, Kỹ thuật điện tử và Tin học.

Thậm chí, các em học các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý hoặc các ngành có sử dụng nhiều kiến thức công nghệ thông tin như Khí tượng và Khí hậu học, Khoa học Thông tin Địa không gian… cũng có thể chuyển hướng sang học tiếp hay làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tương tự, một số nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật dựa trên nền tảng các ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học, các ngành lĩnh vực Tài nguyên, Môi trường, và Khoa học Trái đất cũng có nhiều kiến thức rất thú vị, có cơ hội học tập sau đại học và việc làm tốt. Vì vậy, các em không nên cố định một ngành, trường cụ thể mà nên tìm hiểu, lựa chọn một nhóm ngành mà mình ưa thích và có năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển./.

>>Dự báo điểm chuẩn tuyển sinh Đại học 2021 tăng nhẹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục