Những lý do khiến OPEC cắt giảm sản lượng dầu

05:30' - 08/04/2023
BNEWS Thông báo giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã đẩy giá dầu lên hơn 85 USD/thùng. Đâu là lý do khiến OPEC+ đưa ra quyết định bất ngờ này?
Toà trụ sở của OPEC ở Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 2/4, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ đã nâng tổng lượng dầu cắt giảm của OPEC+ lên mức 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Thông báo bất ngờ này đã khiến đẩy giá dầu tăng thêm 5 USD/thùng lên hơn 85 USD/thùng. Dưới đây là những lý do chính khiến OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu:

Lo ngại về nhu cầu toàn cầu yếu

Saudi Arabia cho biết, việc nâng mức cắt giảm sản lượng từ 2 triệu thùng/ngày lên 3,66 triệu thùng/ngày là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ ổn định thị trường.

Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, cuộc khủng hoảng ngân hàng phương Tây là một trong những lý do đằng sau việc cắt giảm cũng như "can thiệp vào động lực thị trường" - cách diễn đạt của Nga để mô tả mức giá trần của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga.

Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới trong tháng qua đã khiến các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro như hàng hóa với giá dầu giảm xuống gần 70 USD/thùng từ mức cao nhất mọi thời đại là gần 139 USD/thùng vào tháng 3/2022.

Một cuộc suy thoái toàn cầu có thể dẫn đến giá dầu thấp hơn. Nghiên cứu của Redburn cho biết, quy mô của đợt cắt giảm mới nhất có lẽ đã vượt quá mức trừ khi OPEC lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu lớn.

Nhắm vào những kẻ đầu cơ

Việc cắt giảm cũng sẽ trừng phạt những người bán khống dầu hoặc đặt cược vào việc giá dầu giảm.

Năm 2020, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã cảnh báo các nhà giao dịch không nên đặt cược quá nhiều vào thị trường dầu mỏ. Ông tuyên bố sẽ cố gắng làm cho thị trường tăng vọt và những người đánh cược vào giá dầu sẽ chịu nhiều tổn hại.

Trước đợt cắt giảm mới nhất, các quỹ phòng hộ đã giảm vị thế ròng đối với dầu WTI chuẩn CLc1 của Mỹ xuống chỉ còn 56 triệu thùng vào ngày 21/3, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Các vị thế mua tăng giá của họ nhiều hơn các vị thế bán giảm giá theo tỷ lệ chỉ 1,39:1, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016. Một nguồn tin am hiểu về OPEC+ cho biết: “Lần cắt giảm mới nhất sẽ gây thiệt hại nặng nề cho những người đặt cược vào dầu mỏ”.

Tìm kiếm giá cao hơn

Nhiều nhà phân tích cho biết OPEC+ rất muốn đặt giá sàn dưới mức 80 USD/thùng trong khi UBS và Rystad dự đoán mức tăng trở lại 100 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu quá cao gây rủi ro cho OPEC+ khi làm đẩy nhanh lạm phát, bao gồm cả những hàng hóa mà nhóm này cần mua.

Họ cũng khuyến khích tăng sản lượng nhanh hơn từ các thành viên không phải là thành viên OPEC và đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế. Theo ngân hàng Goldman Sachs, quyền lực của OPEC đã tăng lên trong những năm gần đây khi phản ứng của đá phiến Mỹ đối với giá cao hơn trở nên chậm hơn và nhỏ hơn, một phần do áp lực buộc các nhà đầu tư ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.

Căng thẳng với Mỹ

Mỹ cho rằng động thái mới nhất của OPEC+ là điều không nên làm. Phương Tây đã nhiều lần chỉ trích OPEC thao túng giá cả và đứng về phía Nga bất chấp cuộc chiến ở Ukraine.

Mỹ đang cân nhắc thông qua đạo luật được gọi là NOPEC, cho phép tịch thu tài sản của OPEC trên lãnh thổ Mỹ trong trường hợp thông đồng thị trường có bằng chứng.

OPEC+ đã chỉ trích Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cơ quan giám sát năng lượng của phương Tây, trong đó Mỹ là nhà tài trợ tài chính lớn nhất, vì đã giải phóng kho dự trữ dầu vào năm 2022, một động thái được cho là cần thiết để giảm giá trong bối cảnh lo ngại các lệnh trừng phạt sẽ làm gián đoạn nguồn cung của Nga.

Tuy nhiên, dự đoán của IEA chưa bao giờ thành hiện thực, khiến các nguồn tin của OPEC+ cho rằng dự đoán đó được thúc đẩy về mặt chính trị và được thiết kế để giúp nâng cao xếp hạng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Mỹ, quốc gia giải phóng hầu hết các kho dự trữ, cho biết sẽ mua lại một số dầu vào năm 2023 nhưng sau đó đã loại trừ khả năng này. JP Morgan và Goldman Sachs cho rằng quyết định không mua lại dầu để dự trữ của Mỹ có thể đã góp phần dẫn đến động thái cắt giảm sản lượng./.       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục