Những nguy cơ đến từ thị trường bất động sản Trung Quốc

06:00' - 30/03/2020
BNEWS Lĩnh vực bất động sản trị giá 43.000 tỷ USD của Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm trầm trọng, ngay cả khi nước này đang cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Quần thể các căn hộ tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Những cú sốc trong ngắn hạn

Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi trải qua một giai đoạn tồi tệ do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sự kiểm dịch hàng loạt, đi kèm với những lệnh hạn chế di chuyển đối với hàng trăm triệu người đã khiến các chỉ số kinh tế quan trọng như sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm kỷ lục trong năm nay.

Giờ đây, các quan chức ở nhiều địa phương đang nỗ lực khuyến khích các nhà máy, bất động sản và các doanh nghiệp khác quay trở lại làm việc nhanh nhất có thể. Cùng với đó, các nhà chức trách cũng bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại đối với khu vực tỉnh Hồ Bắc, nơi được cho là khởi nguồn của dịch bệnh, bắt đầu từ ngày 25/3.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, thị trường bất động sản, với quy mô ước tính chiếm khoảng 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước, vẫn chưa thể trở lại bình thường trong tháng Ba và thậm chí tình hình có thể xấu hơn. 

Thực tế là các biện pháp cách ly để chống lây lan dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Tác động kinh tế của các biện pháp cách ly tập trung vào hai lĩnh vực là các công ty và người tiêu dùng. Các công ty ngừng hoạt động và người tiêu dùng bị cách ly. Điều này dẫn đến một số tác động chính ở cả trong và ngoài Trung Quốc. 

Trên thị trường Trung Quốc, nhu cầu biến mất đối với một loạt sản phẩm do người tiêu dùng không thể rời khỏi nhà, nguồn cung cũng biến mất khi các công ty đóng cửa. Các hoạt động hậu cần quan trọng bị ngưng trệ hoàn toàn hoặc gián đoạn do các biện pháp cách ly và việc phải ưu tiên cho lương thực và vật tư y tế thiết yếu.

Đa phần các công ty và người tiêu dùng Trung Quốc đều thiếu tiền mặt và người tiêu dùng sẽ cắt giảm tất cả các khoản chi tiêu, trừ các khoản chi cho nhu cầu thiết yếu. Điều này tạo ra nguy cơ của một vòng luẩn quẩn, theo đó doanh số bán bất động sản tiếp tục giảm, dẫn đến dòng tiền của các công ty phát triển nhà giảm hơn nữa sau khi gần như toàn bộ hoạt động xây dựng đã ngừng lại trong thời gian cách ly.

"Hiệu ứng domino" đối với thế giới

Trong khi đó, tờ Financial Times cũng đăng một bài phân tích cho rằng việc các công ty bất động sản Trung Quốc rơi vào tình trạng nợ nần có thể tạo ra “hiệu ứng domino”, đe dọa đến thị trường tín dụng của các nước phương Tây.

Theo bài viết, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng rất lớn khi doanh số bán nhà trong tháng Hai giảm tới 40% và dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong tháng 3/2020. Điều này tạo ra rủi ro đối với thị trường đồng USD ở nước ngoài, do các nhà phát triển bất động sản là những người vay lớn. 

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã cảnh báo về khả năng vỡ nợ có thể xảy ra. Đến nay, vẫn chưa rõ liệu chính quyền các địa phương có thể hỗ trợ cho lĩnh vực này không, bởi thực tế là ngân sách của chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai, do đó hiện nay ngân sách cũng đang suy yếu.

Thế giới hiện tập trung sự chú ý vào tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe cộng đồng và những giải pháp để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, như nhà bình luận thời sự nổi tiếng Martin Wolf của tờ Financial Times nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp về kinh tế có khả năng khiến cả thế giới rơi vào suy thoái. Rủi ro hiện đang tập trung vào sự tích tụ nợ doanh nghiệp rất lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là tâm điểm của các khoản nợ này. Từ tháng 8/2019, các thành phố loại một của Trung Quốc thuộc diện có tỷ lệ giá nhà trên thu nhập cao nhất thế giới. Lợi nhuận từ đầu cơ bất động sản đã giúp doanh số bán xe ô tô tại nước này tăng gấp bốn lần từ 500.000 chiếc mỗi tháng trong năm 2008 lên 2 triệu chiếc mỗi tháng năm 2017. Tuy nhiên, trong tháng 2/2020, con số này chỉ là 244.000 chiếc, cho thấy nguy cơ đổ vỡ đã diễn ra.

Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tăng cường vay USD từ nước ngoài, tăng 52%, lên mức cao kỷ lục là 75,2 tỷ USD vào năm ngoái, vì hoạt động đi vay ở trong nước trở nên khó khăn hơn. Do vậy, sự rớt giá gần đây của đồng nhân dân tệ so với đồng bạc xanh đã khiến cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thêm khó khăn trong việc thanh toán những khoản nợ này.

Vì thế, nguy cơ tiềm tàng đối với thị trường tín dụng phương Tây xuất phát từ sự suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu khiến nhiều cơ quan quản lý lo ngại.

Bên cạnh đó, những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể dẫn đến sự sụp đổ của một số công ty hạng trung và dự kiến sẽ tạo ra “hiệu ứng domino” đối với tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục