Những nội dung chính trong nghị trình kinh tế mới của Trung Quốc

05:30' - 02/02/2018
BNEWS Theo Tân Hoa xã, chính sách kinh tế mới của Trung Quốc sẽ tập trung vào “một nhu cầu thiết yếu, một nhiệm vụ và ba cuộc chiến”, đồng thời tăng cường mở cửa hơn nữa với thế giới.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/1, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở Davos (Thụy Sỹ), ông Lưu Hạc - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm tổ công tác Tài chính và Kinh tế trung ương - đã trình bày chi tiết kế hoạch tổng thể nhất về chính sách kinh tế của Trung Quốc trong những năm tới.

Cụ thể, chính sách kinh tế mới của Trung Quốc sẽ tập trung vào “một nhu cầu thiết yếu, một nhiệm vụ và ba cuộc chiến”.

Về nhu cầu thiết yếu, ông Lưu Hạc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc từ giai đoạn phát triển tốc độ nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao trong bối cảnh Trung Quốc đang định hình kinh tế vĩ mô, cơ cấu, các chính sách cải cách và xã hội trong thời gian tới.

Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đang tăng từ hơn 8.000 đến 10.000 USD và thậm chí cao hơn. Ở giai đoạn phát triển như vậy, Trung Quốc cần ưu tiên hơn nữa vào việc đổi mới cơ chế hơn là mở rộng về quy mô.

Khi Trung Quốc mở cửa hơn với thế giới, việc chuyển đổi sang một hình mẫu phát triển mới sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho nhiều ngành công nghiệp mới không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho cả thế giới.

Hiện nay, nhu cầu trong nước của Trung Quốc đang tăng lên một cách chắc chắn, tiêu dùng đóng góp 58,8% cho tăng trưởng kinh tế, cao hơn gần 4% so với 5 năm trước đây, giá trị thặng dư của ngành dịch vụ chiếm 60% GDP, cao hơn 5% so với 5 năm trước.

Về nhiệm vụ chính, ông Lưu Hạc cho biết mâu thuẫn chủ yếu trong phát triển kinh tế Trung Quốc hiện nay là sự không cân xứng trong kết cấu do “cung” không đi đúng nhịp được với “cầu”. Chính sách kinh tế này cần phải được xác định một cách cấp bách.

Theo ông, ưu tiên hiện nay là cắt giảm dư thừa ở những nơi cần thiết, giảm tồn kho trong ngành bất động sản, hạ tỷ lệ đòn bẩy tổng thể, hạ giá thành và củng cố cho các liên kết yếu trong nền kinh tế, từ dịch vụ công đến cơ sở hạ tầng và các thể chế.

Với những biện pháp này, Trung Quốc hy vọng sẽ đưa bên cung trở nên đáp ứng được và đổi mới hơn nữa, và hiện đã đạt được những tiến bộ ban đầu.

Còn về  các “ba cuộc chiến” chủ yếu, để xây dựng được một xã hội tương đối khá giả, Trung Quốc phải tuyên chiến với ba vấn đề trong những năm tới là: ngăn chặn rủi ro, giảm nghèo đói và kiểm soát ô nhiễm.

Thứ nhất, mặc dù hệ thống tài chính của Trung Quốc cơ bản ổn định với lãi suất tiết kiệm cao, song Trung Quốc vẫn cần tiếp tục ngăn chặn và giải quyết các rủi ro tài chính như tín dụng chui và nợ của chính quyền địa phương.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu xóa bỏ căn bản nghèo đói trong 3 năm. Năm 2018, Trung Quốc sẽ đưa 10 triệu người thoát khỏi nghèo đói, bao gồm 2,8 triệu người từ các vùng có điều kiện sinh sống khắc nghiệt sẽ được tái định cư.

Cuộc chiến thứ ba là chống ô nhiễm, trong đó phát triển xanh và tỷ lệ carbon thấp là mục tiêu hàng đầu trong việc không đi theo mô hình phát triển truyền thống. Do đó, Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ cam kết chống lại biến đổi khí hậu và tôn trọng Hiệp định Paris.

Về cải cách và mở cửa, năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 40 cải cách và mở cửa của Trung Quốc và đây là lý do cho sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua.

Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy cải cách và mở cửa hơn nữa, hội nhập với các nguyên tắc thương mại quốc tế và nới lỏng thị trường; mở cửa một cách triệt để đối với các ngành dịch vụ, đặc biệt là tài chính và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn.

Ngoài ra, trong bài phát biểu, ông Lưu Hạc cũng cảnh báo về các vấn đề gốc rễ của kinh tế thế giới chưa được giải quyết như nguy cơ và tính không chắc chắn dưới hình thức nợ cao, bong bóng tài sản, bảo hộ và sự leo thang của các điểm nóng khu vực và thế giới, đồng thời kêu gọi nỗ lực chung toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục