Những phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo

16:51' - 06/03/2021
BNEWS Từ làm thuê cho công ty, sang tự làm, rồi trở thành bà chủ lúc nào không nhớ. Từ một máy may năm 2014 đến nay cơ ngơi của chị Ngọc Loan là 40 máy.

Làm thuê, bươn chải mọi cách để lo cuộc sống, nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám không buông. Để rồi từ các nguồn vốn nhỏ được hỗ trợ, chị Lê Thị Thuận (xã An Điền, Thạnh Phú, Bến Tre) và chị Phạm Thị Ngọc Loan, (xã Vang Quới Tây, Bình Đại, Bến Tre) đã tận dụng tối đa cùng với thay đổi cách làm ăn và tiết kiệm, tích lũy mỗi ngày mà nay đời sống gia đình họ đã ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn, trở thành tấm gương thoát nghèo bền vững ở xứ dừa.

*Từ người làm thuê trở thành làm chủ

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hơn 10 năm trước, chị Phạm Thị Ngọc Loan, xã Vang Quới Tây “bỏ xứ” lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê đủ nghề từ phụ bán quán cơm, làm công nhân may ở công ty…

Lương công nhân may tuy đủ sống nhưng vì phải trang trải nhiều việc nên chẳng dư dả. Đúng thời điểm mẹ chị ở quê ốm cần người chăm sóc, vậy là chị Loan về quê.

Về quê, sẵn nghề may từ lúc còn làm công nhân, chị Loan mua máy may về may gia công quần áo cho mối quen ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ tay nghề khéo, chị được đặt thêm nhiều đơn hàng. Một mình làm không xuể, chị Loan gom góp mượn tiền mua thêm ba máy may để thuê thợ về may phụ.

Đơn hàng mỗi lúc càng nhiều, nhưng tài chính có hạn. Chị Loan đã tìm đến Ngân hàng chính sách xã hội và được hỗ trợ cho vay diện hộ cận nghèo 12 triệu đồng, đồng thời được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre hỗ trợ chị 4,7 triệu đồng.

Với nguồn tiền này, chị Loan đầu tư thêm máy may, nhận thêm thợ. Nhưng khó khăn xuất hiện, các chị em thợ may ở quê chủ yếu “tay ngang” nên may áo quần không được đẹp. Vốn kĩ tính, sợ hàng xấu, đối tác sẽ không làm ăn lâu dài nên chị Loan đổi hướng sang nhận hàng về may áo gối, chăn, ga.

Vì đây là sản phẩm dễ may, không cầu kì, không đòi hỏi kỹ thuật, chỉ cần nhìn mẫu sẵn và chị Loan hướng dẫn là các chị em thợ may có thể may theo được.

Từ làm thuê cho công ty, sang tự làm, rồi trở thành bà chủ lúc nào không nhớ. Từ một máy may năm 2014 đến nay cơ ngơi của chị Ngọc Loan là 40 máy.

Xưởng may lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói cười của các thợ may hòa cùng tiếng máy may, tiếng kéo cắt vải lách cách.

Ngoài thợ ở xưởng may, còn có thợ nhận hàng về gia công tại nhà, tổng cộng khoảng 50 chị em ở xã làm công cho chị Ngọc Loan.

Phần lớn các chị em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, không có việc làm ổn định. Nhưng từ khi đến với xưởng may của chị Loan, họ có công việc và thu nhập ổn định mỗi tháng.

Chị Loan chia sẻ, chị ưu tiên nhận thợ may là các chị em có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm ổn định. Đối với những thợ mới vào, tay nghề chưa có, chị đào tạo không nhận tiền và còn trả lương cho chị em. Lương mỗi người thợ làm cho chị Loan bình quân từ 3 triệu đồng-9 triệu đồng/tháng.

Thời gian qua, nhiều công nhân làm việc ở một số công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì các thợ may gia công ở xưởng chị Loan vẫn nhận hàng về nhà may và có thu nhập đều đặn.

Là người mới “chân ướt chân ráo” về quê chồng ở xã Vang Quới Tây, chị Hồ Thị Phượng Em, ấp Vinh Hội chưa biết làm nghề gì để có thu nhập. Chị Em được giới thiệu đến chị Loan. Mặc dù, xưởng may đã kín chỗ nhưng khi biết được hoàn cảnh của chị Phượng Em là hộ cận nghèo, không có đất sản xuất, hai vợ chồng chỉ đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, chị Loan thương tình nhận ngay.

“Mới vào chưa may quen, chị Loan hướng dẫn cho may, không lấy tiền thù lao, mỗi tháng chị còn trả tiền công. Sau ba tháng may, hiện nay mỗi tháng tôi cũng thu nhập được 3 triệu đồng. Có việc ổn định, ở gần nhà lo cho gia đình thấy đỡ vất vả hơn lúc ở trọ đi làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh”, chị Phượng Em chia sẻ.

Hiện, mỗi ngày xưởng may của chị Ngọc Loan xuất đi trên 1.000 bộ áo chăn, gối, ga. Chị Loan cũng có "tham vọng" mở rộng thêm xưởng may, mua thêm máy may, nhận thêm nhân công nhưng chị chia sẻ phải đi từ từ từng bước để cho chắc chắn. Đầu ra nhiều nhưng chưa dám nhận thêm vì sợ kiểm soát chất lượng không xuể, mất uy tín sẽ mất mối hàng.

Từ những thành công trong công việc và hỗ trợ các chị em phụ nữ khó khăn có việc làm ổn định, năm 2018, chị Phạm Thị Ngọc Loan được trao giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu tại Việt Nam (gọi tắt là giải thưởng Citi Việt Nam).

Mặc dù, giờ đã là “bà chủ” nhưng chị Ngọc Loan chỉ cười vui, không nhận mình là bà chủ, chị chỉ chia sẻ khiêm tốn: “Giờ mình làm chủ chính mình, chứ không phải làm thuê cho người ta nữa. Còn ở đây mọi người như chị em với nhau thôi”.

*Thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ

Cách đây 5 năm, gia đình chị Lê Thị Thuận, xã An Điền, thuộc hộ nghèo lại không có đất sản xuất. Vợ chồng và ba đứa con sống trong căn nhà tranh lụp xụp và chỉ có 4.000m2 đất ruộng. Vợ chồng chị chỉ có nghề làm thuê, làm mướn để lo cho ba đứa con ăn học và trang trải cuộc sống hằng ngày.

Mỗi khi đến năm học mới, để có học phí cho các con nhập học, vợ chồng chị phải nhận mấy chục công ruộng (mấy chục nghìn m2) để cấy cho người ta. Với hy vọng cho các con có nghề nghiệp ổn định, không phải cảnh "quần áo lấm lem bùn đất" như anh chị mà ai thuê, ai mướn gì cũng làm. Nhưng dù làm chăm chỉ ngày đêm cũng không khá lên được.

Thấy hoàn cảnh gia đình chị Thuận khó khăn nên Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre cho gia đình chị vay 4,7 triệu đồng.

Với đồng vốn nhỏ, chị Thuận mua cua giống về nuôi dưới ruộng lúa. Một năm sau, từ tiền bán cua với tiền tiết kiệm từ làm thuê, chị mua con bò cái về nuôi.

Từ con bò cái giống, sau 5 năm chăm sóc, đến nay gia đình chị đã có 5 bò nái. Bình quân mỗi năm, bò cái đẻ được ba con bò con, con đực đem bán, con cái thì để lại tiếp tục làm giống.

Chị Thuận nhẫm tính mỗi năm nếu có ba con bò đực con để bán thì cũng được 60 triệu đồng, nếu là con bò cái con thì tiếp tục đẻ giống.

Nuôi bò vài năm trở lại đây có giá, lại phù hợp với gia đình không có đất sản xuất, thích hợp với vùng ruộng lúa dễ bị nhiễm mặn như xứ An Điền này.

Chị Thuận mạnh dạn, chuyển đổi 4.000m2 đất ruộng lúa sang trồng cỏ nuôi bò. Nhờ khéo léo cộng với bản tính siêng năng, chịu khó mà vợ chồng chị Thuận vừa có tiền cho các con ăn học vừa dần ổn định cuộc sống.

“Từ đồng vốn hỗ trợ ban đầu rồi nuôi bò mà đứa con đầu của tôi có thể theo học cao đẳng, nay đã có việc làm ổn định. Chúng tôi cũng có số vốn để cho đứa con thứ hai đi xuất khẩu lao động, mỗi tháng gửi tiền về phụ gia đình lo cho đứa thứ ba đi học. Nhờ vậy mà năm 2020, tôi mạnh dạn lên Ủy ban nhân dân xã nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo”, chị Thuận khoe.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Ba, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại Bến Tre, chị Phạm Thị Ngọc Loan và chị Lê Thị Thuận là hai trong nhiều gương phụ nữ tiêu biểu đã tận dụng được đồng vốn nhỏ được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hỗ trợ.

Mặc dù, nguồn vốn của Quỹ đầu tư không lớn như những tổ chức tín dụng khác nhưng phù hợp với nhu cầu và khả năng của chị em, đáp ứng được những chị em cần có vốn để sản xuất nhỏ, mà không cần phải thế chấp.

Trong 5 năm qua, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã giúp đỡ 10.000 lượt khách hàng (trong đó phụ nữ chiếm 89%) tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh hộ. Các chị em vay vốn đầu tư vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ,…

Trên 99% khách hàng vay vốn có tăng lên thu nhập, các chị em đã trả được vốn hàng tháng, còn gửi được tiết kiệm trong quỹ số tiền trên 11 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm là nguồn lớn bổ sung vào nguồn vốn hạn chế của quỹ để giúp cho nhiều chị khác được vay vốn.

Rất nhiều chị đã thay đổi được hoàn cảnh kinh tế gia đình, gần 500 thành viên thoát nghèo, trên 600 hộ chuyển loại hộ nghèo.

Đặc biệt có gần 20 chị em từ làm công nay chuyển lên làm chủ, như chị Lê Thị Thuận (xã An Điền, Thạnh Phú), chị Phạm Thị Thanh Lan (xã Long Thới, Chợ Lách), chị Phạm Thị Ngọc Loan (xã Vang Quới Tây, Bình Đại), chị Đinh Thị Hừng (xã Phú Phụng, Chợ Lách), chị Bùi Thị Lánh (xã Tân Phú, Châu Thành)…

Ngoài ra, từ năm 2015-2019, có 7 thành viên vay được vinh danh là những doanh nhân vi mô tiêu biểu trong cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục