Những quan điểm khác nhau về thượng đỉnh Mỹ-Triều (Phần 1)

05:30' - 25/06/2018
BNEWS Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, một câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất đó là: thực sự họ đã đạt được gì, và những diễn biến tiếp theo sẽ là gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Nhận định về kết quả hội nghị, ông Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng cuộc gặp lần này đã gây ra không ít lo ngại về chính trị. 

Trong tuyên bố mới đây tại Nhà Trắng, ông Trump đảm bảo với người dân Mỹ rằng họ có thể tin tưởng vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và rằng nhà lãnh đạo này thành thật muốn phi hạt nhân hóa.

Ông Trump đã hướng sự chú ý đến cuộc gặp lịch sử giữa ông với đối thủ Triều Tiên, song cuộc gặp này vẫn chưa phản ánh được rằng ông đã tạo ra điểm đột phá về lịch sử hay đây là một sai lầm lịch sử.

Tổng thống Trump đã thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều với ít sự chuẩn bị, đem lại lợi thế cho đối phương, đơn phương tuyên bố đình chỉ các hoạt động diễn tập quân sự Mỹ-Hàn.

Trong khi đó, ông Kim tuyên bố đã hoàn thành giấc mơ của ông nội và cha về việc đạt được hai mục tiêu song hành: xây dựng tiềm lực hạt nhân thực sự và giành được sự ủng hộ của quốc tế đối với sự cầm quyền của nhà họ Kim.

Một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị nhưng đó là một văn bản còn mờ nhạt hơn các văn kiện trước đó giữa Triều Tiên với các bên liên quan, như Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên năm 1992, Thỏa thuận Khung năm 1994 và Tuyên bố chung của 4 bên năm 2005.

Vẫn là các cam kết đã cũ, Tuyên bố chung Singapore yêu cầu Triều Tiên “từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, các chương trình hạt nhân đang tồn tại và sớm quay lại Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)”, nhắc đến cam kết lờ mờ về việc “hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Không những không có bất kỳ tiến triển nào, Tuyên bố chung còn gây lo lắng khi không đề cập tới các nội dung như tên lửa đạn đạo, vũ khí hóa học, chiến tranh mạng, phổ biến hạt nhân và nhân quyền.

Những ưu tiên hàng đầu của chế độ Triều Tiên là giảm bớt các đòn trừng phạt quốc tế, giảm nguy cơ Mỹ tấn công phủ đầu mà không bị buộc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân - “thanh bảo kiếm” của chế độ, dùng “mồi nhử” là hiệp ước hòa bình để chấm dứt hoạt động diễn tập quân sự Mỹ-Hàn cũng như việc Mỹ triển khai quân đồn trú tại Hàn Quốc, giảm bớt sự cô lập trên bình diện quốc tế đối với Triều Tiên, giành được các khoản trợ cấp về kinh tế, đầu tư để phục vụ cho việc duy trì chế độ và sự ổn định.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Bình Nhưỡng hiểu rằng họ phải chia rẽ sự đoàn kết giữa 5 nhân tố chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.

Nhà lãnh đạo họ Kim tìm cách “khuyến khích” các nhân tố này chống lại lẫn nhau, thúc đẩy quan điểm ủng hộ thỏa hiệp ở Hàn Quốc, trong đó cho rằng liên minh Mỹ-Hàn chính là yếu tố gây cản trở cho việc thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai miền Nam-Bắc. Với những toan tính đó, có thể nói ông Kim đã đạt được nhiều thành công thông qua hội nghị thượng đỉnh ở Singapore.

Tổng thống Trump tuyên bố có 300 lựa chọn về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và sẵn sàng triển khai chúng nếu Triều Tiên cư xử tồi. Nhưng thực tế rằng sau một thập kỷ gây áp lực mạnh đối với Triều Tiên, những biện pháp trừng phạt có ý nghĩa nhất nhằm áp đặt lên Triều Tiên lại chủ yếu từ hành động đơn phương của Mỹ.

Trung Quốc và Nga hầu như không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới được đề cập trong các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi đó, áp lực trừng phạt thực sự lại nằm ở sự tuân thủ từ những nước mà Triều Tiên có quan hệ làm ăn, đáng kể nhất là Trung Quốc.

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình trải thảm đỏ đón ông Kim tới thăm, 2 lần trong 1 tháng, và việc khôi phục hoạt động thương mại giữa hai nước này là những dấu hiệu cho thấy thời kỳ bất hòa trong quan hệ Trung-Triều đã trôi qua. Triển vọng Trung Quốc và các nước khác thắt chặt trừng phạt như ở thời điểm cuối năm 2017 là không còn nữa.

Những ý kiến cho rằng những đe dọa của ông Trump là nguyên nhân khiến ông Kim lùi bước là những đánh giá không thể kiểm chứng. Thậm chí, nếu mối quan hệ tốt đẹp giữa Trump-Kim kết thúc trong sự thất vọng, Washington sẽ gặp khó khăn để chứng tỏ uy tín của mình về việc sử dụng sức mạnh quân sự trong kiểm soát cách cư xử của Bình Nhưỡng.

Washington chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối về việc sử dụng biện pháp mạnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. 

Việc chấp nhận và tham gia thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Trump có vẻ như đã tạo ra nhiều lợi thế cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Trump đã từ bỏ lợi thế mà không yêu cầu Triều Tiên đánh đổi bằng bất kỳ cam kết nào cụ thể. Mục tiêu lâu dài của Triều Tiên là làm Mỹ lúng túng trong đàm phán về một hiệp ước hòa bình, dần dần kết thúc quan hệ liên minh Mỹ-Hàn, chấm dứt sự đồn trú của Mỹ ở Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục