Những “rào cản” lớn với Hợp tác xã kiểu mới

14:19' - 07/04/2019
BNEWS Những thủ tục hành chính để tín chấp vay ngân hàng còn gian nan,... là những “rào cản” lớn đối với các Hợp tác xã kiểu mới.
Thu hoạch chuối xanh đưa về sơ chế, đóng gói để xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Bằng cách tham gia vào hợp tác xã, cũng giống với việc góp cổ phần vào một doanh nghiệp, các nông dân sẽ được hoạch định chiến lược sản xuất bài bản, xây dựng thương hiệu, kế hoạch marketing và cách thức kết nối trực tiếp với thế giới. Từ đó, nông dân có điều kiện để tiêu thụ sản phẩm do chính mình sản xuất.

*Chủ động chiến lược kinh doanh

Phát triển hợp tác xã kiểu mới không còn là vấn đề mới đối với nhiều nông dân giỏi áp dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh hiện nay.

Bởi, mục tiêu xây dựng và phát triển hợp tác xã là hướng đến nhu cầu và quyền lợi của người dân.

Trong phát triển sản xuất đòi hỏi người nông dân phải có sự liên kết để góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ổn định đầu ra cho sản phẩm của họ.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, hiện tại nhiều địa phương có rất nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ hợp tác xã. Điển hình là tỉnh Đồng Tháp phát triển các hội quán là tiền đề cho hợp tác xã phát triển.

Cũng từ những hội quán, các nông dân cùng sản xuất một loại sản phẩm có nhiều thời gian ngồi lại với nhau, chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, thông tin kỹ thuật và thông tin thị trường.

Để từ đó, các nông dân tự xâu chuỗi thông tin, chủ động trong sản xuất, quyết định lựa chọn sản phẩm, không cần đến sự định hướng của chính quyền địa phương, vẫn có thể phát triển ổn định.

Cùng với tỉnh Đồng Tháp, Long An cũng đã tích cực vận động nông dân tham gia hợp tác xã, phát triển sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trong 2 năm 2017, 2018, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã nông nghiệp đạt 4 tỷ đồng/năm, lãi bình quân khoảng 460 đồng/hợp tác xã, vượt doanh thu và lợi nhuận bình quân của hợp tác xã trên cả nước.

Ông Phan Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, kể từ sau khi triển khai Luật Hợp tác xã kiểu mới năm 2012, lợi nhuận của người dân trong mô hình tham gia hợp tác xã cao hơn so với ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha.

Hoạt động của hợp tác xã đa dạng và phong phú hơn từ dịch vụ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tham gia liên kết tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn đối với lúa và liên kết tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của địa phương như rau, chanh, thanh long,...

Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng lên, tham gia làm tốt vai trò, nhiệm vụ góp phần đưa kinh tế tập thể của tỉnh phát triển.

Một vài hợp tác xã tạo việc làm cho lao động nông thôn và một số nơi thật sự góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thêm vào đó, khi tham gia vào hợp tác xã, các nông dân dần tăng kiến thức sản xuất và khả năng áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất cao hơn.

Không có trường lớp nào thực tiễn hơn nông dân tự học nông dân khi vào hợp tác xã.

Chỉ cần trong hợp tác xã xuất hiện 1 nông dân tiến bộ, sản xuất đạt hiệu quả cao là những thành viên khác sẽ tìm cách học hỏi để thực hiện, nâng cao giá trị cho sản phẩm.

*Củng cố chính sách hỗ trợ

Phát triển kinh tế hợp tác xã mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất, nhưng trên thực tế, có rất nhiều hợp tác xã tâm huyết thực hiện sự cải cách, thay đổi theo Luật Hợp tác xã, nhưng vẫn chưa vực dậy được nền kinh tế hợp tác ở một số nơi.

Người dân xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) thu hoạch dứa. Ảnh: Thùy Dung – TTXVN

Theo ông Phan Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cơ chế, chính sách của trung ương dành cho hợp tác xã tuy nhiều, nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống.

Sự quan tâm của chính quyền các cấp, tổ chức lao động còn hạn chế, một số hợp tác xã không tạo được chữ tín đối với nông dân.

Những thủ tục hành chính để tín chấp vay ngân hàng còn gian nan,... là những “rào cản” lớn đối với các Hợp tác xã kiểu mới.

Vì vậy, Luật Hợp tác xã vẫn cần nhiều sự thay đổi để phù hợp thực tế hơn nữa, giúp nông dân phát triển kinh tế hợp tác xã và cải thiện thu nhập.

Qua khảo sát, nhiều hợp tác xã vẫn loay hoay với chiến lược phát triển của mình. Bởi, nông dân chưa thực sự tin tưởng và cơ chế chính sách cũng chưa thông thoáng toàn diện.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp rau, củ, quả Khánh Hậu (Long An) chia sẻ, Hợp tác xã Khánh Hậu được tỉnh Long An quan tâm, hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật sản xuất, tập huấn sản xuất và xây dựng vườn ươm.

Thế nhưng, Hợp tác xã Khánh Hậu vẫn đang loay hoay với tình trạng sản xuất kém hiệu quả, các thành viên cũng tự dò dẫm đầu ra cho sản phẩm của mình. Hơn nữa, hợp tác xã còn nhiều thủ tục còn nhiều vướng mắc, chưa hoàn tất.

Nguyên nhân chính vẫn là tình trạng thiếu vốn, việc vay vốn của hợp tác xã cũng gặp khó khăn do quy định về tài sản thế chấp…

Vì vậy, muốn hợp tác xã phát triển, chính sách cần nhiều sửa đổi, để các thành viên hợp tác xã có thể sử dụng tài sản đã góp vốn vào hợp tác xã làm tài sản thế chấp để vay vốn phát triển hợp tác xã.

Nói về chiến lược phát triển hợp tác xã, ông minh cho biết, cùng với sự thay đổi thể chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã kiểu mới phát triển, các địa phương cũng thực hiện các chương trình tuyên truyền để nông dân thay đổi nhận thức về hợp tác xã kiểu mới.

Đó là, hợp tác xã kiểu mới không đơn giản là sự thay đổi từ chức danh ông chủ nhiệm hợp tác xã thành chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc hợp tác xã, mà là sự thay đổi từ bản chất hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân chia lợi nhuận cho các thành viên hợp tác xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục