Những rủi ro ẩn chứa đằng sau dòng vốn đầu tư nước ngoài (Phần 1)

05:30' - 14/09/2018
BNEWS Dòng vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và tạo ra nhiều cơ hội mới cho các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển như Sri Lanka.
Tiền giấy mệnh giá 100 Nhân dân tệ. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích to lớn của vốn đầu tư ngoại quốc, việc thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu không được thực hiện hiệu quả sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và xã hội cũng như đe dọa sự phát triển bền vững của quốc gia.

Sri Lanka và Trung Quốc năm 2016 đã ký một thỏa thuận nhằm xúc tiến việc xây dựng một dự án mang tên Thành phố Cảng (Port City) trị giá hàng tỷ USD ở thủ đô Colombo.

Theo tờ The Guardian (Anh), đây là dự án FDI có giá trị lớn nhất từ trước đến nay tại Sri Lanka, dự kiến vào khoảng 1,4 tỷ USD do công ty xây dựng cảng China Harbour thuộc tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc China Communications Construction Company (CCCC) làm chủ thầu.

Dự án phát triển thành phố cảng Colombo được Chính phủ Sri Lanka kỳ vọng sẽ đưa nước này trở thành một đầu mối tài chính quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương. 

Hiện tại Port City vẫn chỉ là phần đất trống trải rộng ra biển song diện tích của nó đang được mở rộng. Hoạt động “lấp biển” đang được tiến hành từng ngày với khối lượng cát được dùng để bồi đắp tổng cộng ước tính sẽ lên khoảng 65 triệu m3.

Chỉ trong vòng vài năm tới, người ta sẽ có thể chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt tòa nhà chọc trời, một trung tâm tài chính sầm uất, nhiều bệnh viện và khách sạn, hay thậm chí là một công viên giải trí quy mô lớn.

Trên khắp thế giới, các công ty Trung Quốc đang rót vốn đầu tư và tham gia vào những dự án xây dựng đường sá, bến cảng và cầu đường, nhưng tại Sri Lanka, Bắc Kinh đang xây dựng một đô thị hoàn toàn mới.

Janaka Wijesundara, cựu giám đốc Cơ quan Phát triển Đô thị Sri Lanka cho biết đây sẽ là một thành phố hoàn toàn mới, lớn gần gấp đôi diện tích của thủ đô Colombo hiện nay. Được xây dựng trên diện tích 665 hecta, Port City được thiết kế để trở thành một Singapore thu nhỏ, với các cơ chế và quy định về thuế quan thân thiện với doanh nghiệp, và có thể là một hệ thống pháp lý khác so với phần còn lại của Sri Lanka.

Thành phố dự kiến sẽ có dân số vào khoảng 80.000 người và cùng với một hệ thống giao thông phục vụ cho khoảng 250.000 người đi lại mỗi ngày. Các nhà phát triển Port City mô tả về một thành phố rực rỡ có thể so sánh với Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay khu trung tâm tài chính Canary Wharf thuộc London, Anh.

Họ cũng kỳ vọng thành phố sẽ có 1,5 triệu m2 không gian văn phòng và đầu tư tư nhân vào Port City có thể đạt 13 tỷ USD. Bên cạnh các tòa nhà cao tầng sẽ là khu dân cư với các công viên và hệ thống kênh rạch bao quanh. Bức tranh nói trên sẽ là sự thay đổi đáng kể từ hình ảnh những ngôi nhà cũ kĩ xập xệ và các ngôi đền khiêm tốn vẫn quen thuộc với người dân ở Colombo hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục