Những tai nạn thương tâm do đi xe đạp điện

16:13' - 21/03/2017
BNEWS Xe đạp điện trở thành phương tiện giao thông được nhiều người sử dụng, đặc biệt là người già, học sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo những tai nạn do xe đạp điện không phải là ít.

Tử vong vì xe đạp điện

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Ngọc Sơn – Khoa phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức - cho biết, anh gặp nhiều ca bị tai nạn do xe đạp điện, nhiều cháu bé chấn thương sọ não vì phương tiện này.

Có lẽ ca đau lòng nhất là cháu N.H.L 11 tuổi, trú tại Hà Nam, đi học bằng xe đạp điện. Cháu bị ngã xe, va vào xe ô tô đang đi bên cạnh dẫn tới chấn thương sọ não.

Khi cháu lên bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ không cứu được do chấn thương quá nặng, gia đình phải xin bé về nhà.

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Hay trường hợp của bà B.T. H. 53 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội điều khiển xe đạp điện đi ở đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội. Bệnh nhân chỉ vì ngại dải phân cách mà đi ngược đường một đoạn.

Trời nhập nhoạng tối, chiếc xe máy đi ngược chiều đã đâm thẳng vào bà H. khiến bà bị thương nặng, gãy chân xương đùi, gãy tay, các bác sĩ phải phẫu thuật nẹp đinh.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Th., 14 tuổi, ở Mỹ Hào, Hưng Yên được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, sưng nề hàm mặt, xương gò má trái, chảy máu tai, chân trái sưng nề biến dạng…

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị đa chấn thương, dập não, vỡ xương thái dương, gãy xương mác bên chân trái.

Người nhà cho biết, Th. và bạn tham gia giao thông bằng xe đạp điện và không làm chủ được tốc độ, đâm vào ô tô khiến bạn đi cũng Th. đã tử vong còn Th phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.

TS Sơn cho biết, còn rất nhiều ca tai nạn đáng tiếc do xe đạp điện. Không chỉ những cháu vi phạm luật giao thông đi xe lượn lách, vượt đèn đỏ, ngược chiều mà còn có rất nhiều cháu đi đường cũng bị mất chân vì xe đạp điện.

TS Sơn cho biết đó là câu chuyện của nữ sinh lớp 10 ở ngoại thành Hà Nội. Nữ sinh này rất xinh và đi xe đạp điện. Trên đường về nhà sau tan học, mấy thanh niên ngồi trên xe ô tô đã trêu em. Nữ sinh loạng choạng rồi ngã ra đường, bánh sau của chiếc ô tô cán nát chân nữ sinh.

"Cô bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay nhưng tổn thương quá nặng, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ chân. Trường hợp của nữ sinh này thật đáng tiếc" - bác sĩ Sơn nói.

Phải đội mũ bảo hiểm

TS Sơn cho biết, xe đạp điện là phương tiện tương đối thuận tiện, có vẻ an toàn khi tốc độ trung bình từ dưới 30, 40 km/h. Các học sinh có thể đi học với vận tốc khoảng 20km/h. Đây là vận tốc thích hợp khi nhanh hơn xe đạp thường và chậm hơn xe máy. Nhưng phương tiện này vẫn có thể gây thương tích khi tham gia giao thông.

Các ca tai nạn do xe đạp điện thường nhẹ hơn so với tai nạn xe máy. Hay gặp nhất xước chân tay, bong gân. Nhưng cũng có các cháu bị ngã bị chấn thương sọ não, gãy chân tay, gãy đầu xương quay khi chống tay xuống đường, gãy trên đồi cầu.

Gãy đầu xương quay, trên đồi cầu làm dính sụn, làm tay trẻ bị khòng khèo. Đi đường, gặp nhiều học sinh tay cong cong là do bị di chứng gãy xương quay. Đặc biệt các cháu 8- 10 tuổi gãy dạng này thường để lại di chứng nặng hơn.

Chấn thương sọ não ở người đi xe đạp điện tỷ lệ thấp hơn tai nạn do xe máy do vận tốc thấp hơn, nhưng cũng có cháu bé bị rất nặng như cháu L. trong trường hợp trên, bị tử vong ngay.

TS Sơn cho biết xe đạp điện nếu đi ở tốc độ 40km thì khi ngã, chấn thương nặng như đi xe máy. Trong khi đó, trẻ đi xe đạp điện chẳng có mấy cháu đội mũ bảo hiểm.

Khi bị tai nạn, nhất là chấn thương sọ não ở tuổi học sinh, sẽ để lại chấn thương động kinh, học hành kém, trí óc lơ ngơ không tiếp thu được.

TS Sơn khuyến cáo, dù là xe đạp điện, vận tốc nhỏ nhưng giao thông trong thành phố nó cũng rất nguy hiểm. Chính vì thế cần có thói quen đội mũ bảo hiểm. Nhà trường, gia đình nên giáo dục các cháu tham gia giao thông vẫn phải đội mũ bảo hiểm như đi xe máy và tuân thủ luật lệ giao thông đường bộ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục