Những thay đổi đột phá trong quản lý rừng

10:26' - 16/10/2018
BNEWS Sau khi dự án kết thúc, điều mà các nhà quản lý của Việt Nam cũng như chuyên gia Phần Lan trăn trở là làm sao có thể tiếp tục duy trì và vận hành hệ thống này.
Các phần mềm ứng dụng theo dõi diễn biến rừng có ý nghĩa quan trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Với hơn 14 triệu ha rừng và 60/63 tỉnh, thành có diện tích rừng, việc có một hệ thống thông tin hiện đại, chính thống và cập nhật thường xuyên về tài nguyên rừng, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp là hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp hiện đại, Dự án "Phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp" giai đoạn II (FORMIS II) được triển khai từ năm 2013- 2018 đã góp phần đem lại những hiệu quả to lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Ngày 17/10 tại Hà Nội sẽ diễn ra lễ tổng kết Dự án FORMIS II, khép lại một dự án đầy tâm huyết của Chính phủ Phần Lan và Việt Nam dành cho ngành lâm nghiệp, đồng thời mở ra một một phương thức quản lý mới khi lĩnh vực quản lý rừng được hiện đại hóa.
Hiện đại hóa quản lý rừng
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc có địa hình phức tạp, hiểm trở với diện tích đến 92.000 ha. Vì thế, để tuần tra, kiểm đếm và thống kê về hiện trạng, diễn biến rừng thường xuyên, nhanh chóng và chính xác nhất, những kiểm lâm viên nơi đây không thể thiếu sự hỗ trợ của phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Gắn bó với rừng với những chuyến đi kiểm kê rừng dài ngày đi bộ xuyên rừng, đo đạc, ghi chép số liệu một cách thủ công là công việc mà ông Mai Công Quyết, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Chi cục Kiểm lâm Vùng 3 từng quen thuộc.

Hiểu được nỗi vất vả đó nên khi dự án FOMIS II chuyển giao phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, ông Quyết hiểu rằng đây là cơ hội để tạo nên bước thay đổi đột phá cho công tác quản lý rừng. Vì thể, Kiểm lâm Vùng 3 đã lựa chọn Đắc Lắc là địa phương đầu tiên triển khai phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

“Trước đây, việc theo dõi diễn biến phá rừng, cháy rừng ở những địa bàn hiểm trở như Vườn Quốc gia Chư Yang Sin này hết sức khó khăn, thông tin chậm trễ và độ sai số cao… Số liệu, thông tin thu thập được lại bảo quản, lưu trữ thủ công trong hồ sơ giấy, để một thời gian do điều kiện tự nhiên, mưa gió làm hư hại, thất lạc, mất mát.

Bây giờ kiểm kê rừng chỉ cần một máy định vị, khoanh vùng là xác định được diện tích, áp lên bản đồ, cập nhật vào phần mềm là truy cập được hiện trạng rừng, kể cả những thay đổi qua từng mốc thời gian.

Việc tổng hợp báo cáo rất nhanh chóng, chính xách, kịp thời. Với phần mềm này số liệu chúng tôi được lưu trữ được sử dụng nhiều mục đích khác nhau, giúp ích nhiều hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng”, ông Mai Công Quyết cho biết.

Đào tạo kỹ năng quản lý và cập nhật dữ liệu cho cán bộ kiểm lâm địa bàn là yếu tố then chốt. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Cũng theo ông Mai Văn Kiện, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, thời kỳ đó công nghệ thông tin chưa phát triển nên theo dõi thay đổi hiện trạng rừng rừng rất khó khăn.

Hiện nay công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng, các diễn biến rừng đã được cập nhật và tích hợp vào phần mềm kịp thời với những số liệu mới nhất, nhanh nhất, độ chính xác cao và đồng bộ trên hệ thống. Việc cập nhật này rất thuận lợi cho công tác quản lý rừng, phòng chống cháy rừng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nối dài dự án
Thông tin trong quản lý chỉ đạo điều hành của ngành lâm nghiệp từ trước cho đến nay có rất nhiều và nằm rải rác ở khắp các cơ quan trong và ngoài ngành. Điều đó gây nên sự chồng chéo, mâu thuẫn, và chưa đáp ứng yêu cầu quản lý ngành lâm nghiệp. Để thu thập được số liệu về diễn biến rừng, các kiểm lâm viên địa bàn hết sức vất vả.

Thay bằng phương pháp thủ công như công văn hành chính, bản đồ, sổ sách để quản lý ngành lâm nghiệp thì đến nay, những cơ sở dữ liệu đầy đủ về rừng sẽ được số hóa bằng hệ thống thông tin hiện đại. Chỉ cần có internet là các nhà quản lý và chủ rừng có thể truy cập để biết được chính xác thông tin về tài nguyên rừng, hiện trạng rừng và thực hiện báo cáo nhanh ngành lâm nghiệp từ địa phương đến trung ương.

Với mục tiêu xây dựng một hệ thống quản lý thông tin tích hợp hoàn thiện phục vụ công tác quản lý tài nguyên lâm nghiệp cũng như góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, Dự án "Phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp" giai đoạn II (FORMIS II) do Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam tài trợ được triển khai từ năm 2013- 2018.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, với thông tin về 550 huyện ở 60 tỉnh, thành có rừng, chứa đựng thông tin về hơn 7 triệu lô rừng, việc triển khai các phần mềm ứng dụng theo dõi diễn biến rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hiện đại hóa công vụ, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Ông Tapio Leppanen, Cố vấn trưởng Dự án FORMIS II cho biết, đây là hệ thống quản lý thông tin hiện đại, có quy mô tương tự như những hệ thống tiên tiến hàng đầu đang được áp dụng rộng rãi ở châu Âu, đặc biệt là khu vực Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan... Hệ thống giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả chi phí trong việc lập kế hoạch quản lý rừng thông qua việc giảm thiểu chi phí thu thập dữ liệu về điều tra rừng.

Bên cạnh đó, hệ thống còn giảm chi phí trong việc lập kế hoạch đầu tư trong ngành lâm nghiệp. Ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản có thể truy cập dữ liệu tài nguyên rừng thông qua hệ thống chia sẻ dữ liệu, phân tích cung cầu gỗ nguyên liệu để có chiến lược thu mua, tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao năng lực ngành.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Dự án đã đạt được những kết quả như: thay đổi nhận thức về xây dựng hệ thống thông tin lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương. FORMIS được coi là công cụ cơ bản để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và quá trình ra quyết định, từ đó bố trí đầu tư.

Đồng thời giúp cơ quan quản lý rút ngắn được thời gian trong công tác chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, đội ngũ kiểm lâm vùng và các tỉnh đã có những thay đổi và nâng cao được năng lực thu thập, cập nhật, xử lý báo cáo thông tin, đáp ứng yêu cầu của ngành. Đến nay, phần mềm này đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn, bước đầu đem lại những hiệu quả cao trong công tác quản lý rừng cũng như phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Sau khi dự án kết thúc, điều mà các nhà quản lý của Việt Nam cũng như chuyên gia Phần Lan trăn trở là làm sao có thể tiếp tục duy trì và vận hành hệ thống này.

Đội ngũ kiểm lâm đã có những thay đổi và nâng cao năng lực thu thập, cập nhật, xử lý báo cáo thông tin. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cho rằng, để cơ sở dữ liệu tiếp tục được duy trì trong tương lai, các cơ quan có liên quan cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để dữ liệu được khai thác hiệu quả. Dữ liệu đầu vào cần đảm bảo tính trung thực và khoa học. Dữ liệu và thông tin tài nguyên rừng phải đảm bảo sự truy cập của các đối tượng người dùng để người dùng có thể tham gia góp ý và đánh giá dữ liệu, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ dữ liệu.

Tổng cục Lâm nghiệp cần đưa ra những giải pháp để đảm bảo hệ thống vận hành tốt, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị hệ thống dữ liệu này. Các chủ rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn cần được hướng dẫn không chỉ kỹ thuật lâm sinh mà cả kỹ thuật về tin học để có thể cập nhật cơ sở dữ liệu.

“Rất hữu ích khi có hệ thống phần mềm hiện đại, nhưng quan trọng là các dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên và chính xác tại từng xã, huyện do đội ngũ cán bộ kiểm lâm cơ sở thực hiện. Do đó, cần phải chú trọng đào tạo kỹ năng quản lý và cập nhật dữ liệu cho các cán bộ kiểm lâm địa bàn, bởi dù công nghệ có hiện đại đến mấy, nhưng con người vẫn là yếu tố then chốt”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Khép lại một dự án, nhưng một phương thức quản lý mới - “một cuộc cách mạng khi lần đầu tiên các dữ liệu về tài nguyên rừng được số hóa” đã được mở ra như đánh giá của bà Annika Kaipola - Tham tán Đại sứ quan Phần Lan tại Việt Nam về Dự án "Phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp".

Và với tiềm năng to lớn về tài nguyên rừng và đất rừng, với hệ thống thông tin minh bạch, hiện đại, thích ứng với yêu cầu hội nhập của thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục chờ đón những cơ hội mới.

“Chúng tôi nhận thấy ngành lâm nghiệp Việt Nam, ngành chế biến lâm sản đang có sự phát triển ngày càng lớn mạnh. Đất nước Phần Lan chúng tôi được biết đến như một trong các quốc gia có ngành lâm nghiệp phát triển nhất ở châu Âu và ngành lâm nghiệp cũng là ngành mũi nhọn đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tại đất nước của chúng tôi.

Do vậy, tôi nghĩ rằng chính sự kết hợp giữa hai yếu tố là chuyên môn từ Phần Lan và nhu cầu thực tế tại Việt Nam là lý do mà Chính phủ Phần Lan cam kết và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp trong suốt hơn 20 năm vừa qua và chúng tôi cũng rất hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với ngành lâm nghiệp Việt Nam trong tương lai”, bà Annika Kaipola cho biết./.

Dự án "Phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp" giai đoạn II (FORMIS II) nhằm xây dựng một hệ thống thông tin quản lý tích hợp đầy đủ cho ngành lâm nghiệp Việt Nam, gồm các hệ thống thông tin:
•    Hệ thống chia sử dữ liệu và thông tin về lâm nghiệp: đây là kênh chính để có thể xem và tìm kiếm dữ liệu ngành lâm nghiệp về tài nguyên rừng, diện biến rừng, dữ liệu Điều tra kiểm kê rừng toàn quốc, dữ liệu điều tra từng các chu kỳ và các dữ liệu về ranh giới hành chính, kinh tế- xã hội của địa phương.
•    Phần mềm Cập nhật diễn biến rừng nhằm hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp cập nhật và lưu trữ dữ liệu tài nguyên rừng với những diễn biến tài nguyên rừng ở cấp độ nhỏ nhất, từ cấp lô rừng để công bố số liệu hiện trạng rừng hàng năm.
•    Hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng: nhằm tích hợp, lưu trữ dữ liệu từ một số chu kỳ điều tra lâm nghiệp và kiểm kê rừng vào trong một bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên trung tâm, cho phép các đối tác trong ngành lâm nghiệp có thể tiếp cận nguồn dữ liệu hợp pháp, tin cậy một cách dễ dàng và kinh tế nhất.
•    Hệ thống Báo cáo nhanh kiểm lâm: hỗ trợ tích cực cán bộ của Cục Kiểm lâm từ trung ương đến địa phương trong việc theo dõi diễn biến rừng và soạn thảo các báo cáo về bảo vệ rừng theo các chỉ số liên quan và các nhiệm vụ được giao khác.
•    Hệ thống thông tin quản lý ngành chế biến lâm sản tại Việt Nam: hỗ trợ việc số hóa các dữ liệu và quy trình quản lý trong ngành công nghiệp chế biến lâm sản tại Việt Nam. Người dùng có thể kết xuất báo cáo về năng lực chế biến gỗ và lâm sản của doanh nghiệp, cơ sở chế biến theo từng cấp quản lý hành chính.

>>> Tận dụng các cơ hội mới, thúc đẩy nền nông lâm nghiệp của khu vực ASEAN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục