Những tình tiết quan trọng trong gần 1.000 ngày xét xử CFO Huawei

11:33' - 20/08/2021
BNEWS Quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh đã rơi vào khủng hoảng sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu- CFO của Huawei (Trung Quốc) năm 2018. BNEWS/TTXVN xin điểm lại những cột mốc quan trọng trong vụ án này.

Những cột mốc quan trọng trong vụ án dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) trong gần 1.000 ngày qua: 

Ngày 22/8/2018: Một tòa án tại bang New York, Mỹ phát lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu để xét xử tại Mỹ. Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của tỷ phú sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, bị buộc tội gian lận liên quan đến cáo buộc nói dối một Giám đốc điều hành của HSBC ở Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 2013 về mối quan hệ của Huawei với một công ty con có tên Skycom - công ty bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran.

Ngày 1/12/2018: Bà Mạnh Vãn Châu bị cảnh sát Canada bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver năm 2018 theo đề nghị của phía Mỹ. Vụ bắt giữ được công bố vào ngày 5-12. 

Washington đã đề nghị dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ và các luật sư của bà này đang tìm cách ngăn chặn việc này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh.

Ngày 7/12/2018: Hồ sơ tòa án cho thấy bà Mạnh Vãn Châu bị cáo buộc hồi tháng 8/2013 đã lừa đối ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom – công ty bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. 

Mỹ cho rằng Skycom thực chất là một công ty con của Huawei và rằng HSBC cũng như các ngân hàng khác bị rơi vào thế rủi ro, có nguy cơ bị truy tố và tổn thất về tài chính nếu tiếp tục cung cấp tài chính cho Huawei dựa trên những lời đảm bảo của bà Mạnh Vãn Châu.

Trong khi đó, bà Mạnh Vãn Châu đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng bà để mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

CFO của Huawei cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Canada và Mỹ đã tiến hành điều tra “vụng trộm”, chia sẻ thông tin từ các thiết bị điện tử của bà và thẩm vấn bà 3 giờ trước khi bà chính thức bị bắt giữ

Ngày 10/12/2018: Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và Michael Spavor. Hai công dân Canada bị buộc tội gián điệp vào ngày 19-6-2020.

Ngày 11/12/2018: Tòa án Canada cho phép bà Mạnh được tại ngoại vì lý do sức khỏe và nộp số tiền bảo lãnh là 10 triệu CAD (7,5 triệu USD). Bà phải chịu quản thúc tại gia ở Vancouver.

Ngày 22/1/2019: Bộ Tư pháp Mỹ thông báo chính thức tìm cách dẫn độ bà Mạnh về Mỹ.

Ngày 1/3/2019: Canada phê duyệt lệnh dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.

Ngày 3/3/2019: Huawei kiện Chính phủ Canada vì vụ bắt giữ bà Mạnh.

Ngày 15/7/2019: Canada hoãn quyết định về việc có nên cho phép Huawei xây dựng mạng 5G ở Canada hay không.

Ngày 27/5/2020: Tòa án tối cao British Columbia tuyên bố các cáo buộc về hành vi gian lận đối với bà Mạnh thỏa mãn điều kiện tội kép và vụ án về dẫn độ bà sang Mỹ sẽ tiếp tục được xét xử.

Ngày 28/9/2020: Các phiên điều trần bắt đầu để xem xét liệu có cho phép bà Mạnh bổ sung thêm cáo buộc giới chức thực thi pháp luật và biên giới "lạm dụng quy trình" khi bắt giữ bà hồi năm 2018 hay không.

Ngày 30/9/2020: Thẩm phán Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, bà Heather Holmes vẫn chưa công bố phán quyết về việc liệu những lý lẽ mà các luật sư của bà Mạnh Vãn đưa ra trong những phiên tranh tụng vừa qua có xác đáng hay không.

Đội ngũ pháp lý bảo vệ nữ doanh nhân này cho rằng giới chức Mỹ đã cung cấp cho Canada báo cáo sai lệch trong vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại Vancouver hồi tháng 12/2018.

Trong khi đó, các công tố viên nói rằng các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đang cố xoay chuyển phiên tòa xem xét dẫn độ sang hướng một phiên tòa xét xử kéo dài, với những luận cứ và bằng chứng chỉ phù hợp khi xem xét tại phiên tòa xử gian lận ở Mỹ. 

Ngày 26/10/2020: CFO Huawei Mạnh Vãn Châu đã có mặt tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada để tiếp tục "cuộc chiến trường kỳ" nhằm chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ.

Các phiên tranh tụng tập trung vào quy trình bắt giữ bà Mạnh ở sân bay quốc tế Vancouver, Canada, hồi tháng 12/2018.

Cảnh sát Winston Yep (thuộc Cơ quan cảnh sát Hoàng gia Canada- RCMP), nhân chứng đầu tiên ra đối chất nói trước Tòa rằng việc trao đổi một số thông tin giữa các cơ quan chức năng của Canada và đối tác nước ngoài là mang tính đặc thù trong các yêu cầu dẫn độ và viên cảnh sát này không liên lạc trực tiếp với các nhân viên Mỹ trong đêm trước khi bà Mạnh bị bắt giữ.

Theo Cảnh sát Yep, Mỹ cũng yêu cầu các thiết bị điện tử của bà Mạnh phải được đặt trong một túi chuyên dụng, nhằm phòng tránh khả năng nội dung (trong các thiết bị) bị xóa từ xa. 

Ngày 11/11/2020: Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố nước này sẽ không nhượng bộ trước sức ép từ Trung Quốc liên quan tới vụ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu.

Quan hệ giữa Canada và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng khi cảnh sát Canada hồi năm 2018 bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu. Sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada và cáo buộc họ với tội danh làm gián điệp.

Ngày 16/11/2020: Bà Mạnh Vãn Chu trở lại Tòa án tối cao British Columbia trong phiên tòa mở đầu cho quá trình lấy lời khai của các nhân chứng trong 10 ngày. Luật sư của bà Mạnh và của Chính phủ Canada sẽ kiểm tra chéo nhân viên thực thi pháp luật và giới chức biên giới Canada - những người liên quan đến giai đoạn điều tra ban đầu cũng như vụ bắt giữ bà.

Ngày 26/11/2020: Trong phiên tranh tụng tại Tòa án tối cao tỉnh British Columbia, ông Scott Fenton, luật sư bảo vệ bà Mạnh Vãn cho rằng giám sát viên trong vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu 2 năm trước đã “đổi hướng” lời khai trước tòa lần đầu hồi năm 2019 để bảo vệ các nhân viên cảnh sát liên bang.

Theo luật sư Scott Fenton, trong lời khai năm 2019, nhân viên Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) Janice Vander Graaf cho biết cô không có hồi ức về các sự kiện liên quan đến số xê-ri (serial) các thiết bị điện tử của bà Mạnh Vãn Châu, ngoài những gì được lưu trong ghi chú của cô.

Trong khi đó, ngày 25/11, Vander Graaf ra làm chứng và nhớ lại rằng cảnh sát Gurvinder Dhaliwal thuộc RCMP đã đề cập đến số xê-ri từ các thiết bị của bà Mạnh Vãn Châu được gửi cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Luật sư Fenton cáo buộc Vander Graaf đang bao che cho các nhân viên cấp thấp hơn.

Ngày 13/1/2021: CFO Huawei Mạnh Vãn Châu đề nghị tòa án Canada nới lỏng các điều kiện tại ngoại, viện dẫn những lo ngại về sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Tham gia điều trần trước tòa, chồng của bà Mạnh Vãn Châu, ông Lưu Hiểu Tông, cho biết bà Mạnh luôn có 3 nhân viên an ninh giám sát di chuyển trên cùng phương tiện và những nhóm này được thay đổi mỗi ngày. Vì vậy, CFO Huawei lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 từ những nhân viên an ninh giám sát này. Trong khi đó, bà Mạnh Vãn Châu có bệnh lý nền huyết áp cao và từng phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên việc mắc COVID-19 có thể dẫn tới nguy cơ cao hơn. 

Luật sư bào chữa của bà Mạnh Vãn Châu, ông Bill Smart, đã đại diện thân chủ của mình đề nghị tòa án cho phép bà được rời khỏi nơi tạm trú ở Vancouver trong những giờ không áp dụng lệnh giới nghiêm và không có nhân viên an ninh giám sát đi cùng.

Ngày 29/1/2021: Tòa án tối cao tỉnh British Columbia đã từ chối nới lỏng các điều kiện tại ngoại của bà Mạnh Vãn Châu. Theo tòa, các biện pháp hạn chế hiện tại là mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo vị CFO này không trốn khỏi Canada.

Ngày 1/3/2021: Tại Tòa án tối cao tỉnh British Columbia, Canada, Frank Addario, luật sư bào chữa cho bà Mạnh Vãn Châu nói rằng có bằng chứng cho thấy vụ kiện yêu cầu dẫn độ này "rõ ràng là không đáng tin cậy" và ông muốn bằng chứng đó được ghi vào hồ sơ.

Luật sư Frank Addario cho biết, các email trao đổi giữa nhân viên của Huawei và ngân hàng quốc tế HSBC cho thấy HSBC đã biết rõ rằng Huawei kiểm soát một công ty khác có tên là Skycom, do đó bà Mạnh Vãn Châu không chịu trách nhiệm về bất kỳ vi phạm nào của HSBC đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran.

Tại tòa, ông Frank Addario khẳng định nhân viên của HSBC biết rằng Skycom đã được bán cho Canicula, rằng Canicula là công ty mẹ của Skycom và Huawei kiểm soát tài khoản Canicula.

Luật sư Addario đang yêu cầu thẩm phán thừa nhận các bản khai bao gồm email và thông tin tài khoản ngân hàng là bằng chứng trong phiên tòa xem xét vụ kiện dẫn độ bà Mạnh vào tháng 5 tới.

Ngày 3/3/2021: Trong phiên tranh tụng ngày 3/3 tại Tòa án tối cao tỉnh British Columbia (Canada) nhằm thuyết phục tòa bác bỏ vụ kiện dẫn độ này, luật sư của bà Mạnh Vãn Châu là ông Richard Peck cho rằng CFO Huawei đã trở thành "con bài mặc cả" trong cuộc chiến thương mại, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra bình luận về khả năng can thiệp vào vụ việc này.

Ngày 23/3/2021: Thẩm phán Tòa án tối cao tỉnh British Columbia, bà Heather Holmes đã bác yêu cầu của CFO Huawei Mạnh Vãn Châu về việc bổ sung bằng chứng trong vụ kiện dẫn độ CFO này.

Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu muốn đưa một bản khai từ một kế toán của Huawei làm bằng chứng, mà họ cho rằng sẽ làm sáng tỏ các hoạt động tài chính của công ty và giúp chứng minh CFO của Huawei vô tội.

Bà Heather Holmes cho rằng bằng chứng này không liên quan đến phiên tòa xét xử dẫn độ. 

Ngày 12/4/2021: Tòa án Hong Kong (Trung Quốc) đã cho phép Huawei lấy tài liệu từ HSBC, ngân hàng đang là tâm điểm của vụ kiện dẫn độ và cáo buộc gian lận liên quan đến bà Mạnh Vãn Châu.

Trước đó, bà Mạnh Vãn Châu đã thua kiện trong một phiên xét xử tại Tòa án Tối cao Anh nhằm giúp bà tiếp cận các hồ sơ ngân hàng HSBC mà vị CFO này cho rằng sẽ giúp bà chống lại việc bị dẫn độ từ Canada sang Mỹ.

Trong phán quyết của Tòa án Tối cao Anh, Thẩm phán Michael Fordham đã nhấn mạnh rằng tòa án ở Vancouver (Canada) - nơi đang xem xét việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu - là "diễn đàn thích hợp" để quyết định xem các hồ sơ của HSBC có cần thiết cho một phiên xét xử công bằng hay không.

Ngày 9/7/2021: Tòa án Canada bác bỏ yêu cầu được nộp thêm chứng cứ mới của lãnh đạo cấp cao Công ty Huawei liên quan phiên tòa xét xử việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.

Ngày 4/8/2021: Ngày 4/8 đánh dấu sự khởi đầu của vòng tranh tụng cuối cùng tại tòa án của Canada liên quan tới việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu.

Tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada, bà Mona Duckett, luật sư bào chữa cho bà Mạnh Vãn Châu cho rằng các công tố viên Mỹ đã đưa ra một "bản tường thuật sai" trước khi thẩm phán giám sát quá trình tố tụng.

Theo luật sư Duckett, các công tố viên Mỹ đang tận dụng một "lối tắt" pháp lý "rất đặc quyền", cho phép Mỹ yêu cầu dẫn độ một người chỉ dựa trên bản tóm tắt bằng chứng bằng văn bản.

Ngày 6/8/2021, tại Tòa án tối cao tỉnh British Columbia, ông Frank Addario - luật sư bảo vệ bà Mạnh Vãn Châu cho rằng tòa có nhiệm vụ “kiểm soát” hành vi của Mỹ bằng cách xác định xem Washington có bóp méo bằng chứng nhằm tìm cách dẫn độ vị CFO này hay không.

Dựa trên các tài liệu mà nhóm bào chữa thu được từ HSBC, ông Addario cho biết Mỹ đã tuyên bố sai rằng chỉ các nhân viên cấp dưới của HSBC mới biết về quyền kiểm soát mà Huawei thực hiện đối với Skycom, thông qua một công ty có tên Canicula.

Theo ông, HSBC đã thực hiện một nghiên cứu về Skycom và một giám đốc điều hành cấp cao của HSBC biết rằng Canicula sở hữu Skycom và Huawei kiểm soát các tài khoản ngân hàng của Canicula.

Phía luật sư bào chữa cho bà Mạnh Vãn Châu yêu cầu thẩm phán xác định rằng điều này cấu thành hành vi lạm dụng quy trình và hủy bỏ yêu cầu dẫn độ.

Tuy nhiên, Thẩm phán Heather Holmes đã phán quyết rằng hầu hết (nhưng không phải tất cả) bằng chứng do các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu thu thập vào mùa Xuân vừa qua không được đưa vào giai đoạn tranh tụng này.

Ngày 9/8/2021: Tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada, các luật sư của nữ doanh nhân này đã kêu gọi đình chỉ tố tụng.

Luật sư bào chữa cho CFO Huawei là Tony Paisana đã thúc giục Thẩm phán Tòa án tối cao British Columbia cân nhắc quyết định này xuất phát từ những hành vi mà họ cho là lạm dụng đối với bà Mạnh Vãn Châu.

Họ cho rằng các hành vi lạm dụng bao gồm từ cách bà bị thẩm vấn và bắt giữ tại sân bay Vancouver, cho đến việc Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump nói rằng ông sẽ can thiệp vào vụ việc này nếu điều đó có lợi cho các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Trong khi đó, các công tố viên Canada đã bác bỏ các cáo buộc về lạm dụng quy trình, đồng thời cho rằng các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đang cố gắng biến vụ kiện dẫn độ CFO này thành một phiên tòa xét xử.

Ngày 10/8/2021: Một tòa án ở Trung Quốc y án tử hình công dân Canada Robert Schellenberg về tội buôn ma túy.

Ngày 11/8/2021: Tòa án ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc đã kết án 11 năm tù đối với doanh nhân Spavor với tội danh trên "hoạt động gián điệp và cung cấp những bí mật nhà nước bất hợp pháp".

Theo bản án, ông Spavor cũng sẽ bị tịch thu 50.000 nhân dân tệ (7.713 USD) tài sản cá nhân và sẽ bị trục xuất nhưng chưa rõ thời gian. Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngay lập tức tuyên bố bản án này là "không công bằng và không thể chấp nhận

Ngày 11/8/2021: Các công tố viên Chính phủ Canada khẳng định các bằng chứng cho thấy bà Mạnh đã không trung thực khi lừa gạt Ngân hàng HSBC, và phía Mỹ đã đưa ra các bằng chứng thỏa đáng để yêu cầu dẫn độ.

Ngày 18/8/2021: Sau gần 1.000 ngày, vòng tranh tụng cuối cùng trong cuộc chiến pháp lý của bà Mạnh Vãn Châu -CFO Huawei nhằm chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ đã khép lại.

Mỹ cho rằng HSBC tiếp tục mối quan hệ kinh doanh với Huawei và đồng ý tiếp tục chuyển tiền của công ty qua hệ thống tài chính Mỹ vì những lời “bóp méo sự việc” của bà Mạnh Vãn Châu.

Theo các nhà chức trách Mỹ, do đó, HSBC có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, khiến ngân hàng có khả năng bị truy tố và tổn thất về kinh tế và danh tiếng.

Thẩm phán Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, bà Heather Holmes, cho biết vào ngày 21/10/2021 bà sẽ công bố ngày đưa ra phán quyết của mình.

Trong vụ kiện này, quyết định cuối cùng về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Canada.

Phiên tòa xem xét việc có nên dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ đã kết thúc tại Tòa án tối cao British Columbia của Canada. Nếu tòa chấp thuận cho dẫn độ bà Mạnh, con gái nhà sáng lập Huawei có thể đối mặt với 30 năm tù ở Mỹ. Phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 31/10 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục