“Con cờ” Huawei trong cuộc chiến công nghệ dài hơi giữa Mỹ và Trung Quốc

05:30' - 20/08/2021
BNEWS Mặc dù nước Mỹ đã có Tổng thống mới, tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei vẫn gặp nhiều khó khăn bởi Huawei là biểu tượng của cuộc đọ sức Mỹ-Trung về công nghệ cao.

Trên mặt trận công nghệ viễn thông, Mỹ không chấp nhận để cho một đối thủ chiến lược là Trung Quốc vươn lên ngang hàng.

Sau bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020, cựu Tổng thống Donald Trump thất cử, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, kỳ vọng mở lại "đối thoại mang tính xây dựng" với các đối tác Mỹ. 

Nhưng bà Gina Raimondo, người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, tháng 2/2021, đã "dội một gáo nước lạnh" khi tuyên bố bà "hiểu rằng một số công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách những thực thể có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, đe dọa quyền lợi của nước Mỹ". Đồng thời, trước mắt bà Raimondo "không có lý do gì" để chứng minh cho điều ngược lại.

*Dẫn đầu trong thời gian ngắn

Phải chăng cả hai đời Tổng thống Mỹ liên tiếp cùng gây sức ép với Huawei do tập đoàn Trung Quốc này đang dẫn đầu công nghệ mạng di động? Trong chưa đầy 30 năm từ khi được thành lập, Huawei đã vượt qua các đối thủ truyền thống như Nokia và Ericsson của châu Âu. 

Trước đây, với công nghệ mạng viễn thông 4G, Huawei đã khẳng định vị trí của mình. Giờ đây Huawei trở thành tập đoàn số 1 trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông. Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ và thậm chí đang dẫn đầu thế giới trong một thời gian rất ngắn.

Điều ngạc nhiên là mãi đến gần đây, năm 2018-2019 thì Huawei mới được thế giới nhắc đến nhiều, cho dù từ đầu những năm 2000 những người trong ngành đã nhận ra những tiến bộ vượt trội của tập đoàn Trung Quốc và triển vọng Huawei sẽ dẫn đầu trong công nghệ 5G.

Mỹ cũng như châu Âu đã không dự đoán được vai trò quan trọng của mạng 5G trong ngành viễn thông và mạng di động. Cũng không ai dự báo trước được việc Huawei đã len lỏi vào các thị trường của phương Tây và có ảnh hưởng sâu sắc. Tuy nhiên, Huawei gặp nhiều trở ngại ở Mỹ do Washington dựa vào luật an ninh quốc gia để ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc này.

Trong một bài tham luận trên báo Le Monde, Jean- François Dufour, Giám đốc công ty tư vấn DCA Chine Analyse, giải thích Huawei tiếp tục là mục tiêu mà chính quyền của ông Biden nhắm tới, do Mỹ đặt ra chiến lược kiềm tỏa Trung Quốc về mặt công nghệ mới. Chiến lược này đã được hình thành từ trước khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng. 

Vẫn theo ông Dufour, "hồi thứ nhất" trong cuộc đọ sức với Trung Quốc về công nghệ đã nhen nhóm từ năm 2008 khi chính quyền Washington ngăn cản Huawei mua lại một công ty của Mỹ. Đến năm 2015 khi Bắc Kinh công bố kế hoạch tự chủ về công nghệ và thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt mang tên "Chế tạo tại Trung Quốc 2025" (Made in China 2025), thì Washington đã tăng cường thêm các biện pháp ứng phó.

Nắm bắt được nhược điểm của Huawei nói riêng, của Trung Quốc nói chung là sự phụ thuộc vào chip điện tử và linh kiện bán dẫn của nước ngoài, Washington đã hạn chế rồi sau đó cấm các hãng công nghệ của Mỹ như Qualcomm, Intel cung cấp hàng hóa cho các đối tác Trung Quốc, và cấm Huawei sử dụng một số dịch vụ phần mềm hay ứng dụng của Mỹ.

Bên cạnh các biện pháp thuần túy về kinh tế, Mỹ còn sử dụng một vũ khí khác khi xếp Huawei vào danh sách "các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia". 

Trả lời đài truyền hình France 24, nhà báo Sébastien Dumoulin, phụ trách phần tin về công nghệ trên báo Les Echos, nhắc lại Huawei tuy có nhiều hợp đồng giao dịch với các đối tác Mỹ, nhưng mỗi lần tập đoàn Trung Quốc này muốn mở rộng hoạt động tại Mỹ thì lại thất bại. Trên thực tế, Huawei đã bị "cấm cửa" tại thị trường Mỹ từ năm 2012 bởi Mỹ không muốn sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

*Áp lực từ Mỹ

Còn theo chuyên gia Jean-François Dufour, chính quyền Mỹ tấn công Huawei một cách có bài bản và trên nhiều mặt, kể cả mặt trận ngoại giao. Cho đến những ngày cuối nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn thuyết phục châu Âu loại Huawei khỏi thị trường mạng di động 5G. 

Nhà báo Sébastien Dumoulin chỉ ra rằng, Washington tấn công Huawei nhưng không hề đưa ra bằng chứng về liên hệ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này với Chính phủ Trung Quốc. Tập đoàn Trung Quốc chịu sức ép từ nhiều phía và mức độ nghiêm trọng hơn bất kỳ một tập đoàn nào với tầm cỡ tương đương như Huawei.

Tập đoàn do ông Nhậm Chính Phi thành lập năm 1987 đã không thụ động trước những biện pháp gây áp lực của Mỹ. Với một đội ngũ hơn 100.000 nhân viên về nghiên cứu và phát triển (R&D), Huawei tự thiết kế và sản xuất chip điện tử. 

Giám đốc DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour, cho rằng: "Chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao không đánh gục được ‘người khổng lồ’ châu Á, nhưng đã gây khó khăn không ít cho Huawei nói riêng và cho công nghệ cao của Trung Quốc nói chung".

Một số nhà phân tích khác trong ngành cho rằng Mỹ không muốn bị Trung Quốc bắt kịp về công nghệ cao và bằng mọi cách ngăn cản quốc gia châu Á này tiếp cận được những công nghệ mới. Trong trường hợp chiến lược này thành công, tức là Trung Quốc thực sự bị cô lập thì họ sẽ phải tự tìm ra những giải pháp kỹ thuật cho riêng mình. Khi đó, một thế giới lưỡng cực khác sẽ được hình thành.

Về điểm này, nhà báo Dumoulin của tờ Les Echos cho rằng cuộc chiến công nghệ hiện nay giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới còn là một cuộc chiến về mặt ý thức hệ. Câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là liệu rằng Âu-Mỹ có muốn để cho một tập đoàn nước ngoài can thiệp vào hệ thống viễn thông mang tính sống còn trong tương lai của các nước này hay không. 

Còn quá sớm để đánh giá Mỹ có thành công hay không trong việc lôi kéo các đồng minh về phía mình để cô lập Bắc Kinh bằng cách "quay lưng" với Huawei. 

Tuy nhiên, theo nhà báo Sébastien Dumoulin Mỹ đã thuyết phục được một số đồng minh loại trừ hoặc giới hạn khả năng can thiệp của Huawei vào hệ thống mạng 5G. Số quốc gia ngả về phía Mỹ càng lúc càng đông. Anh, Australia hay Nhật Bản đã loại hẳn Huawei khỏi kế hoạch xây dựng mạng 5G.

Pháp thì hạn chế đáng kể khả năng để tập đoàn Trung Quốc tham gia tiến trình xây dựng mạng di động thế hệ mới. Ngoài ra, Mỹ là làm suy yếu đáng kể "đầu tàu" của ngành viễn thông Trung Quốc. Washington đã tấn công vào hai điểm yếu lớn của Huawei là là chip và linh kiện điện tử. Không có hai thứ này, Huawei gần như không thể cung cấp trang thiết bị viễn thông cho khách hàng.

Trong báo cáo tổng kết hoạt động của 6 tháng đầu năm 2021, Huawei cho biết doanh thu sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay, chủ yếu do các biện pháp trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng điện thoại di động và thiết bị viễn thông. Trước đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc của tập đoàn này năm 2019 thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD do tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục