Những ứng cử viên đầu tiên tuyên bố tranh chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ

13:53' - 05/10/2023
BNEWS Cuộc đua giành ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã được khởi động sau khi ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm.

Cuộc đua giành ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau khi ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm đã được khởi động khi Hạ nghị sĩ Steve Scalise, nhân vật quyền lực thứ hai của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, và Hạ nghị sĩ Jim Jordan, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đều tuyên bố ra tranh cử vị trí này.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thông tin trên được các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đưa ra ngày 4/10 sau một cuộc họp kín.

Hạ nghị sĩ Scalise, sinh năm 1965, đại diện cho bang Louisiana, hiện đang điều trị bệnh ung thư tủy, từ lâu được xem là người sẽ kế vị ông McCarthy. Chính khách này được cho là còn bảo thủ hơn cả vị Hạ nghị sĩ đến từ bang California vừa bị phế truất. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Jordan, sinh năm 1964, đại diện cho bang Ohio, là một đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump, đã tuyên bố nếu trở thành Chủ tịch Hạ viện sẽ phản đối việc viện trợ quân sự cho Ukraine.

Giới phân tích dự đoán sẽ có thêm một số ứng cử viên của đảng Cộng hòa tham gia vào cuộc đua giành vị trí đứng đầu Hạ viện đầy quyền lực. Hiện có một số nhân vật khác được nêu tên như là phương án thay thế ông McCarthy, trong đó có Hạ nghị sĩ Tom Emmer - nhân vật số 3 của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Patrick McHenry - người vừa được chỉ định làm Chủ tịch Hạ viện tạm quyền, Hạ nghị sĩ Tom Cole - Chủ tịch Ủy ban Quy tắc của Hạ viện và Hạ nghị sĩ Elise Stefanik - nữ nghị sĩ duy nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.

Đảng Cộng hòa ấn định ngày 11/10 sẽ bỏ phiếu để chọn người kế nhiệm ông McCarthy, người bị bãi nhiệm hôm 3/10 trong một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Mỹ, một vị Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm bị phế truất. Tối 3/10, ông McCarthy đã thông báo với các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa rằng ông sẽ không tìm cách quay trở lại vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Việc ghế Chủ tịch Hạ viện bị bỏ trống trên thực tế sẽ làm hầu hết mọi hoạt động của cơ quan lập pháp này bị ngưng trệ cho đến khi một vị chủ tịch mới được bầu ra. Hiện Quốc hội Mỹ chỉ có 40 ngày để thông qua các dự luật chi tiêu ngân sách cho tài khoá 2024, nếu không, chính phủ sẽ lại đứng trước nguy cơ đóng cửa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục