Những vấn đề làm chậm sự phát triển của hợp tác xã ở Bến Tre

08:39' - 29/05/2024
BNEWS Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre vừa có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre để nghe báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

Báo cáo tại buổi làm việc, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 193 hợp tác xã hoạt động ở 6 lĩnh vực gồm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện; nông nghiệp - thủy sản; quỹ tín dụng nhân dân; thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp; giao thông - vận tải; tài nguyên - môi trường. Tổng vốn điều lệ hơn 322 tỷ đồng, số thành viên tham gia là 49.674 với 3.175 lao động thường xuyên.

 

Ngoài ra, tổng số tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh hiện có là 1.161 tổ, với 20.779 thành viên; trong đó, có 895 tổ hợp tác thực hiện chuyển đổi và hoạt động.

Trong thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre đã đã quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan, ban hành các kế hoạch hành động, chương trình trọng tâm. Từ đó, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã tỉnh với các ngành và địa phương được quan tâm và tăng cường; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các hợp tác xã; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hợp tác xã thành viên…

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bến Tre còn 4 vấn đề làm ảnh hưởng đến hoạt động và làm chậm sự phát triển của của hợp tác xã.

Cụ thể, số hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn trong tổng số hợp tác xã, nhưng đa phần các hợp tác xã trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ; năng lực của Hội đồng quản trị còn hạn chế, liên kết tổ chức sản xuất còn rời rạc, chưa ổn định, quản lý nhà nước cấp xã về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn bất cập, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhiều nơi chính quyền chưa quan tâm hỗ trợ củng cố, nâng chất hợp tác xã hoạt động yếu kém, chậm giải thể hợp tác ngừng hoạt động kéo dài; chính sách hỗ trợ hợp tác xã còn phân tán, thiếu tập trung.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Phương cho biết: Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã  năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Tỉnh tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới khoảng 50 tổ hợp tác và 15 hợp tác xã trên tất cả các lĩnh vực; nâng tổng số tổ hợp tác, hợp tác xã toàn tỉnh đến cuối năm 2024 lên khoảng 1.210 tổ hợp tác, 202 hợp tác xã và 1 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, địa phương tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Bến Tre xây dựng ít nhất 3 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Mặt khác, tỉnh tiếp tục chọn 3 hợp tác xã để thực hiện thí điểm việc chuyển đổi số trong hoạt động hợp tác xã để làm mô hình nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận, Quyền Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng, buổi làm việc đã khái quát bức tranh hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh chưa đạt được như mong muốn. Đặc biệt, hạn chế của các ngành, địa phương là vẫn là chưa tìm được mô hình hoạt động hiệu quả cho kinh tế tập thể.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu UBND tỉnh xem xét lại quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh. Theo đó, Ban chỉ đạo phân công phần việc cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo, hoạt động phải hướng đến hiệu quả, đồng thời thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thực sự cần thiết.

Các cấp tiếp tục quan tâm thành lập, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã. Đồng thời, thành lập các hợp tác xã ở những lĩnh vực thế mạnh để gắn với tiêu thụ sản phẩm, các ngành, địa phương quan tâm nâng cao tính tự nguyện của thành viên khi tham gia hợp tác xã.

Bên cạnh đó, phát triển hợp tác xã phải dựa trên sản phẩm cụ thể, có thị trường tiêu thụ, gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà nước, ngân hàng. Cùng với đó, xây dựng chuỗi gắn đầu vào, đầu ra, gắn nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng.

Ngành chức năng tỉnh tập trung hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã vốn, chuyển đổi số, khoa học công nghệ; xem xét sáp nhập hoặc giải thể các hợp tác xã yếu kém. Các sở, ngành phối hợp với Liên minh Hợp tác xã giới thiệu, mời gọi doanh nghiệp gắn kết với hợp tác xã; giới thiệu hợp tác xã tham gia các sự kiện để trưng bày, quảng bá sản phẩm, trong đó cần lưu ý mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục