Những yếu tố đang thực sự tác động đến triển vọng giá dầu

06:30' - 19/11/2023
BNEWS Trên thực tế, những biến động gần đây trên thị trường “vàng đen” lại chủ yếu xoay quanh các dự báo về nhu cầu sụt giảm.
Cuộc xung đột Israel-Hamas, từng thổi bùng lên những quan ngại về triển vọng của thị trường dầu mỏ, dường như không gây ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường này.

Trên thực tế, những biến động gần đây trên thị trường “vàng đen” lại chủ yếu xoay quanh các dự báo về nhu cầu sụt giảm.
 
Trung Đông là khu vực chứa nhiều tài nguyên dầu mỏ của thế giới. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi xung đột nổ ra, thị trường năng lượng đã liên tục sụt giảm. Dầu thô Brent đang được giao dịch quang mức 80 USD/thùng, thậm chí còn rẻ hơn so với thời điểm cuộc xung đột Israel-Hamas bắt đầu.
 
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại tồn tại nghịch lý này? Lý do chính, theo các chuyên gia phân tích, là do cuộc xung đột tại Trung Đông đang không gây ra nhiều gián đoạn đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu. Điều này khiến các nhà giao dịch kết luận rằng không có mối đe dọa ngay lập tức đối với thị trường dầu mỏ.
 
Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở London Energy Aspects, cho biết: “Mặc dù các nhà giao dịch nhận thấy rủi ro đang gia tăng nhưng điều đó đã không kích hoạt hoạt động mua tích trữ”.
 
Raad Alkadiri, Giám đốc điều hành mảng năng lượng và khí hậu tại Eurasia Group, một công ty phân tích rủi ro chính trị, cho biết các thị trường đang kỳ vọng sẽ không có nhiều rủi ro gián đoạn tại khu vực Trung Đông.
 
* Nhu cầu suy giảm

 

Thị trường dường như đã “phớt lờ” yếu tố xung đột và được định giá dựa trên những dự đoán bi quan về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong tương lai. Nguyên nhân dẫn đến sự bi quan này là những lo ngại về kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất. Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác đang cố gắng hỗ trợ giá bằng cách cắt giảm sản lượng dầu của họ.

Các chuyên gia cảnh báo rằng 2024 có thể là một năm khó khăn đối với thị trường dầu mỏ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán mức tiêu thụ năng lượng ở Mỹ sẽ giảm vào năm tới do sự xuất hiện của các mẫu xe có động cơ hoạt động hiệu quả hơn, số lượng ô tô điện ngày càng tăng và nhu cầu di chuyển giảm do ngày càng có nhiều người làm việc theo lịch trình kết hợp.

Tâm lý tiêu cực đã khiến giá giảm mạnh trước cuộc xung đột Israel-Hamas và tâm lý này dường như đã một lần nữa xuất hiện trở lại, bất chấp rủi ro của một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Ngoài ra, sản lượng dầu mạnh mẽ ở Mỹ cũng đã giúp trấn an thị trường. Nguồn cung từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới gần đây đã lập kỷ lục theo tháng với sản lượng hơn 13 triệu thùng/ngày.

Ông Jim Burkhard, Phó Chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ, năng lượng và di động tại S&P Global Commodity Insights, nhận định các yếu tố cơ bản đang chi phối thị trường dầu mỏ nhiều hơn tất cả những rủi ro khác vào lúc này.

 

 * Rủi ro nếu xung đột lan rộng
 
Các nhà kinh doanh đã nhận ra rằng khi nói đến dầu mỏ thì ở Trung Đông sẽ có “khu vực có và khu vực không có”. Trong khi Gaza không sản xuất được dầu thì Israel sản xuất rất ít. Do đó, nếu cuộc xung đột không lan sang các “gã khổng lồ” dầu mỏ như Saudi Arabia, Iraq hay Iran thì sẽ không có sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung năng lượng.
 
Ngay từ khi xung đột bắt đầu xảy ra, Ngoại trưởng Iran đã kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel, khơi dậy ký ức về lệnh cấm vận dầu mỏ đối với 50 quốc gia cách đây nhiều năm.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Với những phân tích về vai trò của nhiên liệu hóa thạch đối với quá trình biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, bất kỳ động thái áp đặt lệnh cấm nào cũng sẽ có nguy cơ phản tác dụng đối với quốc gia áp đặt lệnh cấm.

Eurasia Group cho biết trong một lưu ý gần đây: “Rủi ro về nguồn cung rất khó xảy ra từ một quyết định độc lập nhằm cắt giảm doanh số bán dầu của Iran hoặc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)”.

Bất kỳ động thái tương tự nào cũng sẽ gây ra nhiều thiệt hại - nếu không muốn nói là nhiều hơn - cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”.

* Những rủi ro khác
 
Mặc dù vậy, sự gián đoạn không phải là không thể xảy ra. Bốn năm trước, một cuộc tấn công tên lửa vào một cơ sở quan trọng của Saudi Arabia đã khiến sản lượng dầu của vương quốc này giảm gần một nửa.
 
Một kịch bản tiêu cực hơn có thể xảy ra nếu Iran, quốc gia ủng hộ Hamas, cố gắng phong tỏa eo biển Hormuz, nơi một lượng dầu khổng lồ chảy đến phần còn lại của thế giới.
 
Bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại RBC, cho biết: “Tôi cho rằng nguy cơ rủi ro này sẽ lây lan là khá đáng kể”.

Bà nói: “Thị trường không còn dành nhiều sự chú ý đến những vấn đề như thế này (xung đột địa chính trị) nữa”. Bà Croft, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, cho biết nếu nhìn vào những gì đã diễn ra tại Iraq năm 2003, thế giới có thể sẽ chứng kiến một bất ngờ khó chịu ở Trung Đông.

Dù vậy, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng ngăn chặn việc xung đột lan rộng. Các cường quốc dầu mỏ trong khu vực, bao gồm cả Iran, cũng muốn duy trì lưu lượng tàu chở dầu di chuyển qua Vịnh Ba Tư. Bất kỳ sự ngưng trệ nào cũng sẽ làm giảm thu nhập xuất khẩu của chính nước này, trong khi giá tăng đột biến sẽ có nguy cơ gây tổn hại và khiến những khách hàng có giá trị nhất xa lánh.
 

“Có khả năng xung đột sẽ được kiềm chế và không lan sang các nhà sản xuất dầu lớn trong khu vực cũng như các tuyến đường vận chuyển quan trọng”, chuyên gia Bronze của Energy Aspect cho biết.

Ông nói thêm rằng rủi ro có thể đến nhiều hơn từ những tính toán và đánh giá sai lầm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục