Những yếu tố để người tiêu dùng tin dùng hàng Việt

15:52' - 25/07/2019
BNEWS Mẫu mã, chất lượng, giá cả và niềm tin đang là những yếu tố mà người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn và tin dùng đối với sản phẩm hàng Việt.
Sản phẩm điện gia dụng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Để hàng Việt khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm cũng như mở rộng các kênh phân phối và đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm.

Sau giờ tan ca chiều thứ 7, chị Hà Thị Thắm, công nhân một doanh nghiệp may mặc trong Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai ghé vào phiên chợ công nhân chọn mua nhiều sản phẩm từ dầu ăn, nước mắm, đường, một vài bộ quần áo cho con và nhiều nhu yếu phẩm hàng tiêu dùng khác.

Theo chị Hà Thị Thắm, phiên chợ công nhân với đa dạng sản phẩm hàng hóa để lựa chọn. Tất cả hàng hóa được bán ở đây đều là hàng Việt Nam với chất lượng đảm bảo và mẫu mã đẹp, đặc biệt giá cả rẻ hơn thị thường khoảng 10%, do đó rất đông công nhân của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp lựa chọn.

Cùng là công nhân tại đây, chị Nguyễn Thị Hải, một công nhân khác cho biết, sở dĩ lựa chọn hàng Việt tại phiên chợ công nhân vì hàng Việt chất lượng đảm bảo và giá cả rẻ hơn hàng ngoại.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đồng Nai, sau 10 năm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị cho thấy, cuộc vận động đã có tác động lan tỏa đến đời sống xã hội, không chỉ chuyển biến về nhận thức mà còn tạo chuyển biến về hành động và thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng trên địa bàn.

Tại Đồng Nai hiện có 166 chợ, 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại, 64 cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống cửa hàng bán lẻ của Vinmart, Coopfood, Điện máy xanh đang hoạt động.

Qua khảo sát của tỉnh Đồng Nai, hàng Việt tại hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích trên chiếm 90 – 95%, hàng nhập khẩu chiếm khoảng 5 -10%.

Hàng nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng của các nước mà Việt Nam chưa sản xuất hoặc không trồng được.

Theo bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Biên Hòa, hàng Việt Nam chiếm 95% tổng số các mặt hàng trên kệ của siêu thị.

10 năm trở lại đây, hệ thống hàng Việt Nam phát triển rất mạnh, nhất là về mẫu mã, chất lượng và giá cả, do đó người tiêu dùng đã dần quen với sản phẩm hàng Việt.

Doanh nghiệp trưng bày nhiều sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn tại các hội chợ. Ảnh: Mỹ Phương-TTXVN

Cùng đó, hơn 4.000 người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn trên địa bàn Đồng Nai khi được hỏi về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đều cho biết rất quan tâm đến sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Các nhóm sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao sản xuất trong nước được người tiêu dùng thường xuyên sử dụng là đường Biên Hòa, sữa Vinamilk, dệt may Việt Tiến, Vina Café, giày dép Biti’s …

Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai đối với 2.000 ý kiến của người dân về doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng sản phẩm, hàng hóa. Kết quả khảo sát là có 64% ý kiến cho rằng, cần cải tiến mẫu mã hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; 55% ý kiến thực hiện bảo hành sản phẩm và cam kết với người tiêu dùng; 52% hạ giá thành sản phẩm; 42% đẩy mạnh thông tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Đánh giá của Tỉnh ủy Đồng Nai sau 10 thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn cho thấy, các doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa của cuộc vận động và xác định đây là cơ hội để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh.

“Cuộc vận động đặt ra các nhu cầu bức thiết cho nhà sản xuất phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; thường xuyên cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; mở rộng phát triển mạng lưới phân phối đi đôi với chính sách hậu mãi để có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu”, ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam cùng các nước đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước.

Đây vừa là thời cơ cũng là thách thức đối với nền kinh tế quốc gia nói chung, sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng.

Để tạo điều kiện cho hàng Việt tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc đối với tin yêu của người tiêu dùng, chính quyền địa phương cần tiếp tục “đồng hành cùng doanh nghiệp” trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục