Ninh Bình đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết 2024

10:41' - 03/12/2023
BNEWS Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Sở Công Thương Ninh Bình dự báo tình hình thị trường giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng của thị trường thế giới và trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm…

Tuy nhiên, giá cả hàng hoá thiết yếu trên địa bàn tỉnh sẽ không có biến động bất thường. Các cửa hàng, chợ, siêu thị mở cửa xuyên các dịp lễ và mở cửa trở lại sớm sau Tết nên nhu cầu dự báo không tăng đột biến.

Giá cả dịp cuối năm dự báo tăng theo quy luật thị trường, song không tăng cao và bất thường... Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường từ 5-10%.

Sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023. Nhu cầu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến như giò, chả, nem,...; thực phẩm công nghệ như bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn…; hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu; hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại…

Theo Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình Dương Đức Đằng, nhu cầu hàng hóa thiết yếu và hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ người dân của tỉnh Ninh Bình trong một tháng Tết 2024 tương đương hơn 2.618 tỷ đồng. Bao gồm: 25.000 tấn xăng dầu (cho sản xuất và tiêu dùng), 1.000 tấn gas,  9.765  tấn lương thực, 2.900 tấn thịt các loại, 15,4 triệu quả trứng gia cầm, 813 tấn thực phẩm chế biến, 200 tấn bánh, kẹo, mứt, cà phê...

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, Sở Công Thương Ninh Bình sẽ tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử,...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền của tỉnh Ninh Bình, kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết cho người dân.

Sở cũng tập trung thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, triển khai các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trong đó đặc biệt chú trọng cung ứng hàng hóa cho các vùng và đối tượng gặp khó khăn với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Sở có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các phương thức bán hàng lưu động... để cung ứng hàng hóa bình ổn đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa,... tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục