Ninh Binh: Khoản vay nhỏ, lợi ích to

14:37' - 16/09/2018
BNEWS Từ “chiếc cần câu” 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình ông Nguyễn Viết Niêm ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mô hình nuôi bò tại Ninh Bình. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Với số vốn ưu đãi vay được từ ngân hàng cộng thêm một ít vốn của gia đình, ông Niêm mua 3 con bò sinh sản về nuôi. Sau một thời gian bò mẹ sinh bò con, đàn bò của ông Niêm cứ sinh sôi nảy nở.

Hiện ông Niêm đã trả gần hết nợ gốc và lãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, đồng thời có tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Ông Niêm hồ hởi cho biết, số tiền không lớn cũng không nhỏ nhưng đã giúp gia đình ông trong những năm tiếp theo sẽ là những năm thu lãi.

Câu chuyện của gia đình ông Niêm là một trong vô vàn những câu chuyện về khách hàng đang thụ hưởng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Là một “điểm sáng” trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang được đánh giá là mô hình có hoạt động điển hình trên thế giới.

Tại hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với Hiệp hội các tổ chức tín dụng châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) tổ chức mới đây, TS. Prasun Kumar Das, Tổng Thư ký APRACA nhận định, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tạo ra một hệ thống cung cấp tín dụng và thu nợ hiệu quả, làm giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và bản thân ngân hàng; đồng thời đạt được mức độ bao phủ ấn tượng đến tận cấp xã.

“Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, ngân hàng đã phối hợp với địa phương và các tổ chức đoàn thể từ cấp Trung ương đến địa phương. Qua các báo cáo cho thấy việc lựa chọn khách hàng tương đối minh bạch và tỷ lệ thất thoát dường như chỉ là ngoại lệ chứ không phải phổ biến.

Trên nhiều phương diện, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội phản ánh “cách thức Việt Nam” độc đáo bằng việc theo đuổi một chính sách riêng, kiên định và gắn kết từ cấp quốc gia đến cấp xã để đạt được các mục tiêu đề ra một cách nhất quán”, Tổng Thư ký APRACA nói.

Tổng Thư ký APRACA phân tích: “Có thể thấy phương pháp tiếp cận độc đáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội dẫn đến Việt Nam có một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng nhất trên thế giới.

Thành tựu này đạt được thông qua việc ngân hàng này có độ tiếp cận sâu rộng đến 6,7 triệu khách hàng nhờ sự tập trung hướng tới nhóm đối tượng khách hàng vay chính sách kết hợp với việc cung cấp tín dụng tại chỗ và bao phủ gần 11 nghìn xã thông qua mạng lưới điểm giao dịch cấp xã”.

Theo Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng, mô hình ủy thác cho vay đang là đòn bẩy tích cực trong chiến lược mở rộng tài chính nông nghiệp, nông thôn cho hộ nghèo tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định, hoạt động tín dụng chính sách gắn chặt với đối tượng đông đảo, truyền thống nhất là hộ nông dân ở nông thôn. Nhờ có vốn kịp thời, được hướng dẫn cách làm ăn, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống, góp phần tích cực làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống còn dưới 10% trong năm 2017.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang là ngân hàng có độ bao phủ rộng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, đảm bảo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.

Với gần 11 nghìn điểm giao dịch được mở tại Trụ sở UBND cấp xã trong cả nước, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí giao dịch và thời gian đi lại cho bà con.

Thông qua mô hình này, người nghèo và đối tượng chính sách không chỉ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, mà còn được tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng như tiền gửi tiết kiệm, thanh toán.

Tín dụng chính sách dường như đã trở thành người đồng hành thân thiết của nông dân. Tại tỉnh Ninh Bình, nguồn vốn tín dụng chính sách đang tạo đà cho nông nghiệp địa phương này phát triển nhanh và toàn diện, đã có hàng nghìn hộ nông dân được vay vốn để phát triển sản xuất.

Nhiều hộ sử dụng vốn để xây dựng gia trại, trang trại, hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Mai Văn Bản ở huyện Yên Mô, Ninh Bình đã biến hơn 14 nghìn m2 đất chuyên canh trồng lúa thành khu chuyên canh trồng rau củ mỗi năm cho thu lãi tới trăm triệu đồng.

Anh Bản cho biết, đất trồng lúa 2 vụ thu nhập không cao, nhiều người dân đã bỏ ruộng. Riêng anh Bản thấy bỏ đất không là một lãng phí lớn nên anh quyết định vay thêm vốn ưu đãi trồng rau củ theo mùa.

Gia đình ông Trần Văn Mỹ ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chương trình cho vay Học sinh sinh viên, gia đình ông vay được 90 triệu đồng để cho 2 con đi học đại học. Các con ông Mỹ sau khi ra trường đã xin được việc làm ổn định và đã trả được nợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Bà Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Ninh Bình cho biết, chi nhánh Ninh Bình đã tập trung tối đa nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn có hiệu quả của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Từ năm 2011 đến nay doanh số cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt trên 2.815 tỷ đồng với hơn 150 ngàn lượt hộ được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Bình đạt 2.000 tỷ đồng với 84 ngàn hộ vay còn dư nợ.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cho hay, trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn canh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục