Ninh Thuận: Hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nho và táo

21:47' - 16/09/2022
BNEWS Ninh Thuận hiện có 60 cơ sở sản xuất, đăng ký kinh doanh các sản phẩm nho rượu, vang nho, mỗi năm các cơ sở cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn lít rượu, vang nho.

Tỉnh Ninh Thuận tập trung hỗ trợ nông dân mở rộng vùng sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ kết hợp áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Đây là một trong những mục tiêu chính được đề ra tại Đại hội Hiệp hội nho và táo tỉnh Ninh Thuận lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức vào chiều 16/9.

Tham dự Đại hội có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng hơn 50 đại biểu đại diện cho 215 hội viên thuộc Hiệp hội nho và táo tỉnh Ninh Thuận.

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội nho và táo tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2022-2027 với 9 thành viên. Ông Võ Chi, Thạc sỹ kinh tế được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội nho và táo Ninh Thuận nhiệm kỳ mới.

Theo lãnh đạo Hiệp hội nho và táo tỉnh Ninh Thuận, để sản phẩm nho và táo của địa phương phát triển nhanh, bền vững và trở thành thương hiệu mạnh trong phạm vi cả nước, trong giai đoạn 2022-2027, Hiệp hội sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học-kỹ thuật, liên kết sản xuất nho và táo theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, qua đó nhằm mở rộng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng Việt.

Bên cạnh đó, Hiệp hội kết hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao các giống nho và táo mới vào sản xuất, đưa công nghệ bao chùm quả nho, bao nhà lưới vườn táo để phòng trừ sâu hại gây bệnh, giảm thiểu những yếu tố bất lợi của thời tiết; chuyển giao các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm đặc biệt là vang nho và các sản phẩm chế biến từ quả táo để đa dạng hóa sản phẩm.

Đồng thời, Hiệp hội cũng tăng cường quản lý, cấp phát "Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận", "Nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận", tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu hàng Việt. Song song đó là trao đổi, học tập khả năng quản lý hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất, chế biến nho và táo, kết hợp phát triển mô hình du lịch sinh thái, nâng cao hiệu quả sản xuất cho hội viên.

Hiệp hội nho và táo tiếp tục phối hợp với ngành Công Thương tăng cường quảng bá sản phẩm, giới thiệu đưa các sản phẩm nho và táo vào các điểm, khu du lịch, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán các sản phẩm OCOP của tỉnh; đẩy mạnh đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, bán sản phẩm hàng Việt Nam tới người tiêu dùng.

Theo kế hoạch năm 2022, Ninh Thuận mở rộng diện tích trồng nho lên 1.365 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 33,8 nghìn tấn nho tươi; trên 1.000 ha táo với sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 44.000 tấn.

Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến từ quả nho, táo, thời gian qua, từ các nguồn vốn khuyến công, dự án phát triển, Ninh Thuận đã phối hợp với các Viện, cơ quan khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản quả sau thu hoạch, dây chuyền sấy nông sản, xây dựng mô hình sản xuất vang, kho lạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất. Từ đó, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư máy móc, đến nay tỉnh có 25 hệ thống sấy nho, táo và 3 dây chuyền bảo quản sản phẩm sau thu hoạch có thể đáp ứng sản xuất hàng chục tấn nho tươi/ngày.

Toàn tỉnh hiện có 60 cơ sở sản xuất, đăng ký kinh doanh các sản phẩm nho rượu, vang nho, mỗi năm các cơ sở cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn lít rượu, vang nho. Mỗi cơ sở sản xuất có bí quyết ủ, lên men, đóng chai riêng góp phần tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm vang nho Ninh Thuận. Trong số đó, những nhãn hiệu vang Thiên Thảo, Ba Mọi, Viết Nghi, Lan Anh, Thái Thuận đã được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, phần lớn người trồng nho, táo vẫn còn canh tác nhỏ lẻ theo quy mô hộ, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định do lệ thuộc vào thương lái nên giá cả sản phẩm thường bấp bênh theo mùa vụ; sản phẩm chế biến từ quả táo còn ít, chưa đa dạng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng.

Ngoài ra, thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội nho và táo bị chậm lại, sản phẩm và thị trường tiêu thụ nho và táo chịu ảnh hưởng về đầu ra và giá cả. Ban Chấp hành Hiệp hội chủ yếu hoạt động theo kinh phí của hội viên đóng góp, khả năng tài chính hạn chế, chưa có nhiều biện pháp và hoạt động cụ thể để thu hút hội viên, đây là những khó khăn cần được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ Hiệp hội sớm khắc phục.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tặng Bằng khen cho Hiệp hội nho và táo tỉnh Ninh Thuận vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2017-2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục