Ninh Thuận phân bổ trên 93% kế hoạch vốn đầu tư công

18:29' - 05/03/2024
BNEWS Chiều 5/3, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch năm 2023 và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2024, theo kế hoạch Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công trên 2.962 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước trên 2.200 tỷ đồng; vốn nước ngoài trên 759 tỷ đồng. Đến ngày 7/2, tỉnh đã phân bổ chi tiết trên 2.775 tỷ đồng, đạt trên 93% kế hoạch HĐND tỉnh giao, còn lại khoảng 187 tỷ đồng sẽ phân bổ sau cho các chương trình, dự án khi đảm bảo các thủ tục đầu tư. Tính đến giữa tháng 2/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 340 tỷ đồng trong tổng số vốn đã phân bổ chi tiết, đạt trên 12% kế hoạch.

 
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu các cấp, ngành, chủ đầu tư các dự án được bố trí vốn đầu tư công khẩn trương thực hiện phân bổ vốn; đồng thời quyết liệt triển khai các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy hiệu quả giải ngân vốn; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt từ 95 - 100% vào cuối năm.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, việc giải ngân vốn trong năm nay sẽ gặp không ít khó khăn, bởi khối lượng vốn đầu tư công năm 2024 nhiều hơn năm 2023, với nhiều nguồn vốn bổ sung và phải hoàn thành trong năm 2024. Các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu. Nhiều dự án quy mô lớn phải thi công hoàn thành trong năm 2024 nhưng khó khăn về khả năng cân đối vốn... Do đó các cấp, ngành cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo khối lượng hoàn thành và giải ngân trong năm 2024.

Ông Trần Quốc Nam cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục duy trì 12 tổ công tác do thành viên UBND tỉnh làm tổ trưởng để theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của từng công trình, dự án; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành và địa phương, các chủ đầu tư hàng tháng báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, các khó khăn vướng mắc gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và tổ công tác để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời.

Định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh chủ trì, tổ chức giao ban với các cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ đầu tư (theo từng lĩnh vực) về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm, có tỷ lệ giải ngân thấp, còn vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng và yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng kế hoạch chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, quý. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành và địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án cần chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư; kiểm tra, rà soát từng dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2024; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai dự án gắn với thời gian hoàn thành cụ thể từng nội dung, ở từng bước công việc; đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật, sớm khởi công công trình; đồng thời tăng cường việc nghiệm thu từng giai đoạn dự án để giải ngân vốn kịp thời khi có khối lượng hoàn thành, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản...

Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh, tỉnh luôn xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, tỉnh luôn tập trung đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 11-12%. UBND tỉnh đề ra mục tiêu rất cụ thể, đó là phấn đấu đến hết quý III/2024, tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, đến quý IV/2024 đạt trên 90% và đến cuối năm giải ngân đạt từ 95 - 100% kế hoạch vốn đầu tư công. Đối với kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, phấn đấu đến hết quý III/2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023 là trên 2.990 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước trên 2.272 tỷ đồng, vốn nước ngoài trên 718 tỷ đồng. Với sự quyết tâm của tỉnh, với tinh thần và trách nhiệm cao của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư các dự án..., nhiều vướng mắc, khó khăn đã được xử lý kịp thời, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có sự chuyển biến rõ rệt, tháng sau cao hơn tháng trước và tăng tốc vào những tháng cuối năm. Kết quả toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân được trên 2.896 tỷ đồng, đạt trên 96% kế hoạch, đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục