Ninh Thuận thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền

13:00' - 14/01/2025
BNEWS Nhằm giúp các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, Ninh Thuận đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng cây măng tây, bưởi da xanh.

Nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua việc huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và nâng cao chất lượng dịch vụ an sinh xã hội. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

 

Theo kế hoạch, năm 2025 tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,5%, riêng huyện miền núi Bác Ái giảm 4% để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tăng cường lồng ghép các nguồn lực, dự kiến phân bổ trên 318 tỷ đồng từ ngân sách triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, nội dung chính sách của ba chương trình, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên thông tin, từ các nguồn vốn này, tỉnh tập trung cho các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất là trục đường thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phục vụ sản xuất và dân sinh ở các vùng đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tỉnh đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; thực hiện chính sách giao khoán đất rừng đảm bảo cho người dân miền núi có thu nhập ổn định từ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, các hộ tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp gắn với giải quyết việc làm. Tỉnh lựa chọn các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ phù hợp với từng địa bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Nhằm giúp các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, Ninh Thuận đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng cây măng tây, bưởi da xanh, mãng cầu, chuối, mít; nhân rộng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa; phát triển đàn gia súc dê, cừu, nuôi heo đen đặc sản; trồng các loại cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Cùng với đó, tỉnh tập trung các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Cụ thể, mô hình liên kết sản xuất cây măng tây xanh do các hợp tác xã triển khai ở hai xã An Hải và Phước Hải (huyện Ninh Phước) đang mang đến một “làn gió mới” cho kinh tế địa phương. Thôn Tuấn Tú, xã An Hải có 547 hộ và 2.350 nhân khẩu, đồng bào Chăm chiếm gần 100% dân số. Nhờ trồng cây măng tây xanh kết hợp trồng nhiều loại rau màu, lúa, phát triển mô hình nuôi dê, cừu, bò vỗ béo, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Hiện nay toàn thôn chỉ còn 10 hộ cận nghèo và 6 hộ nghèo.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) chia sẻ, với khí hậu khô nóng và đất cát pha đặc trưng, thôn Tuấn Tú trở thành vùng đất lý tưởng để trồng măng tây xanh. Năng suất bình quân đạt khoảng 10kg/sào/ngày, sản phẩm măng tây xanh được hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu thụ mua với giá bình quân 50.000 đồng/kg. Hiện nay, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đã có 85 thành viên tham gia trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 45 ha.

“Măng tây là cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân làm giàu. Hiện, hợp tác xã đã triển khai cho các thành viên phát triển vùng trồng cây măng tây ứng dụng công nghệ cao, áp dụng hệ thống tưới cho phù hợp như tưới nhỏ giọt, tưới phun tầm thấp và các hệ thống tưới khác để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Hùng Ky cho hay.

Ninh Thuận có 32 dân tộc thiểu số với 39.478 hộ/176.452 khẩu, chiếm 24,03% so với dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Giai đoạn 2019-2024, địa phương đã huy động trên 4.877 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hơn 1.000 hạng mục công trình, dự án. Năm 2024, toàn tỉnh còn 3.362 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Raglai, Chu ru, Cờ ho ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, chiếm 63,22% so với tổng hộ nghèo. Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đạt 32,4 triệu đồng/người/năm, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020. Tỉnh có 2 huyện và 14/28 xã vùng núi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục