Nợ công của Malaysia tương đương 63% GDP

16:31' - 22/07/2025
BNEWS Nợ công của Malaysia được ghi nhận ở mức 1,22 nghìn tỷ ringgit (290 tỷ USD) vào tháng 4/2024, tương đương 63% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nợ công quốc gia của Malaysia hiện không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và chính phủ triển khai các chính sách quản lý tài chính thận trọng

Theo Tiến sĩ Goh Lim Thye, giảng viên tại Khoa Kinh tế, đại học Malaya, nợ công của Malaysia được ghi nhận ở mức 1,22 nghìn tỷ ringgit (290 tỷ USD) vào tháng 4/2024, tương đương 63% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song về bản chất không gây ra rủi ro quá nghiêm trọng.

 
Khi đánh giá về tính bền vững, trọng tâm không phải là về quy mô mà là khả năng trả nợ mà không gây cản trở đến tăng trưởng kinh tế hay tạo ra bất ổn xã hội. Malaysia hiện duy trì một nền kinh tế đa dạng, với năng lực tài chính vững chắc và khả năng tiếp cận thị trường vốn ở trong và ngoài nước. Hơn nữa, các nhà đầu tư quốc tế vẫn đánh giá cao sự ổn định tài chính của đất nước.

Chính phủ Malaysia hiện đang thúc đẩy nhiều cải cách quan trọng và được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao, đặc biệt là việc ban hành Đạo luật Tài chính công và Trách nhiệm tài chính (FRA). Theo IMF, các chính sách hiện tại nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính. Ngoài ra, Malaysia có điều kiện để tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế bao gồm tăng trưởng thu nhập, số hóa, quản trị và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Imran Yusof, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư MIDF Amanah, cho biết các cải cách tài chính của chính phủ đang tạo ra nền tảng vững chắc hơn để quản lý nợ hiệu quả, qua đó hướng tới giảm thâm hụt. Theo đó, thâm hụt ngân sách đã thu hẹp từ 5% GDP trong năm 2023 xuống còn 4,1% GDP trong năm 2024, vượt qua mục tiêu đề ra là 4,3%. Thâm hụt ngân sách trong năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục giảm còn 3,8% GDP.

Malaysia cũng đã giảm được các khoản vay mới, còn 75 tỷ ringgit (17,7 tỷ USD) vào năm 2024, so với mức 93 tỷ ringgit (21,9 tỷ USD) trong năm 2023 và 100 tỷ ringgit (23,6 tỷ USD) trong năm 2022. Thay vì tổng nợ, chính phủ cần quan tâm hơn đến tỷ lệ nợ trên GDP vì thâm hụt chủ yếu từ chi tiêu để phát triển kinh tế xã hội – vốn được coi là các khoản đầu tư dài hạn và có thể chấp nhận được nếu GDP tiếp tục tăng trưởng.

Một trong những nguyên nhân khiến nợ công của Malaysia tăng cao là do yếu tố lịch sử, đặc biệt là các khoản chi lớn để ứng phó với đại dịch COVID-19. Mặc dù một số khoản nợ đã được giải quyết, song vẫn còn nhiều tác động tài chính đặt ra đối với nền kinh tế. Theo Tiến sĩ Goh, thách thức hiện nay đối với Malaysia là cần nâng cao khả năng phục hồi và điều đáng mừng là chính phủ đang có những bước đi vững chắc theo hướng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục