Nợ đọng thuế còn cao, nhiều khoản không có khả năng thu hồi

11:15' - 22/10/2019
BNEWS Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tập trung xử lý nợ đọng thuế

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó công tác quản lý nợ thuế đã đạt được kết quả quan trọng. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8/2019 giảm xuống ở mức 6,9%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết.

Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian.

Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, cơ quan quản lý thuế đã tích cực xử lý nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về xử lý nợ đọng, trên cơ sở đó các cơ quan quàn lý thuế đã xây dựng phương án thu hồi nợ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, phân công trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân trong việc thu nợ, như vậy kết quả thu nợ trong những năm qua khá tốt, đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi.

Tuy nhiên, một số đơn vị mới tập trung vào thu các khoản nợ có khả năng thu hồi, còn nợ đọng chưa được xử lý dứt điểm do chưa có cơ chế để thực hiện.

Nêu sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Tờ trình nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 2667/TB-TTKQH ngày 19/3/2019, Chính phủ đã hoàn thiện Luật Quản lý thuế sửa đổi trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Tại Luật này đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020; vì vậy đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 không được hồi tố để xử lý.

Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế nhưng phải đáp ứng được điều kiện là phải thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm. Hầu hết các khoản nợ hiện nay chưa đủ điều kiện 10 năm nên không được xử lý nợ.

Trong khi đó, đối với các trường hợp người nộp thuế đã chết, đã mất tích, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng bỏ hoạt động kinh doanh, trên thực tế là không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhưng vẫn tiền phạt và tiền chậm nộp vẫn được tính.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 trước đây quy định tiền phạt, phạt chậm nộp, tuy nhiên quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu phải tách hai hành vi - phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp.

Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực từ 1/7/2013 đã điều chỉnh hành vi chậm nộp tiền thuế bị “phạt chậm nộp” thành “tiền chậm nộp”. Do đó, đối với các khoản “tiền chậm nộp” theo Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 đến nay chưa có cơ chế xử lý.

Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 cũng quy định, đối với các trường hợp gặp thiên tai bất khả kháng thì được miễn xử phạt vi phạm pháp luật đối với hành vi chậm nộp tiền thuế hay còn gọi là “phạt chậm nộp”.

Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 thì không có quy định miễn đối với “tiền chậm nộp”. Vì vậy, đối với một số khoản tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuộc các trường hợp gặp thiên tai bất khả kháng phát sinh tiền chậm nộp chưa được xử lý...

Cần thiết ban hành Nghị quyết về khoanh nợ thuế

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, số nợ đọng không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm, tạo sức ép về trách nhiệm xử lý nợ đọng lên cơ quan quản lý thuế, mặc dù ngân sách nhà nước không còn khả năng thu từ các đối tượng này.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh nợ, trong khi việc thực hiện quy định về xóa nợ đối với 3 nhóm đối tượng trong Luật Quản lý thuế hiện hành còn nhiều bất cập, không thể thực hiện được như: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh có nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản hoặc chỉ thông báo phá sản nhưng không hoàn thành các thủ tục phá sản. Do đó, cơ quan quản lý thuế không có hồ sơ làm căn cứ xem xét việc xử lý xóa nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Đối với trường hợp xóa nợ cho người nộp thuế đã chết, mất tích mà không còn tài sản để nộp thuế thì trên thực tế khi cá nhân đã chết, không xác nhận được người nộp thuế còn tài sản hay không, nếu còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sở hữu chung của gia đình vợ hoặc chồng và các con hay không và không thực hiện được việc phân chia tài sản theo quy định của pháp luật về thừa kế, dẫn đến tình huống không xác định được người nộp thuế có còn tài sản hay không để xử lý xóa nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Đối với trường hợp xóa nợ quá 10 năm, cơ quan thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện đầy đủ 7 biện pháp cưỡng chế, nhưng trên thực tế, cơ quan quản lý thuế mới thực hiện cưỡng chế lần lượt bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa các tài khoản của người nộp thuế tại các ngân hàng thương mại, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Sau những bước cưỡng chế này thì hầu như các doanh nghiệp đều phá sản, giải thể, mất khả năng kinh doanh, không còn tài sản ở nơi đăng ký kinh doanh, nhiều người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, chết, mất tích...

Do vậy, cơ quan quản lý thuế không thể thực hiện tiếp các biện pháp cưỡng chế còn lại theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Hơn nữa, đối với doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì cũng bị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy phép. Do đó, cơ quan thuế không thể xử lý xóa nợ theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Luật Quản lý thuế hiện hành không bao quát đầy đủ các đối tượng cần khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng cao và phát sinh thêm đối tượng nợ thuế, như trường hợp người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, bị thu hồi giấy phép kinh doanh, các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng hoặc nợ thuế do chưa được Nhà nước thanh toán...

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách theo đề nghị của Chính phủ.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo trình tự tại một kỳ họp như Tờ trình của Chính phủ.

Hồ sơ trình dự án Nghị quyết đã bao gồm đầy đủ các nội dung về Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Báo cáo đánh giá tổng kết công tác quản lý nợ thuế, thực hiện các quy định của xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính đối với các ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp… đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục