Nợ khổng lồ và bong bóng tài chính đe dọa thế giới hậu COVID-19

06:00' - 27/07/2020
BNEWS Nhà báo, chuyên gia kinh tế cao cấp Stephen Bartholomeusz cho rằng một thế giới thời kỳ hậu đại dịch COVID sẽ là một thế giới ngập trong "núi" nợ và thu nhập giảm.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald của Australia, chuyên gia kinh tế Bartholomeusz cho rằng đời sống xã hội hậu COVID-19 sẽ đặt ra rất nhiều thách thức đối với các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Đại dịch cũng tạo ra vô số tình huống khó khăn cho các ngân hàng trung ương khi phải cố gắng cân bằng giữa nợ không bền vững, tham vọng tăng trưởng kinh tế và rủi ro từ bong bóng tài chính. Đây là những yếu tố có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong khi thế giới vẫn còn rất "mong manh".

Thách thức lớn nhất và cũng là hạn chế lớn nhất của các chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình và ngân hàng trung ương là di sản nợ. Trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển - đáng chú ý nhất là Mỹ, nợ đã ở ngưỡng cao lịch sử ngay từ trước khi đại dịch bùng phát. 

Trước khi nợ toàn cầu trong giai đoạn đại dịch tăng lên mức 360.000 tỷ USD, tương đương 320% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, con số này đã là 75.000 tỷ USD và chiếm đến 40% tổng GDP, nhiều hơn mức trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nợ công toàn cầu hiện ở mức cao nhất trong lịch sử. Do hậu quả của những chương trình hỗ trợ tài chính mà các chính phủ đã bổ sung khoảng 11.000 tỷ USD nợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tại các nền kinh tế tiên tiến, nợ công được dự báo sẽ tăng gần 19% trong năm nay lên tương đương 130% GDP toàn cầu. 

Tại Australia, Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã phản ứng nhanh chóng với đại dịch bằng cách biến khoản thặng dư dự kiến 5 tỷ AUD (3,4 tỷ USD) của tài khóa 2019 - 2020 thành khoản thâm hụt trị giá 85 tỷ AUD (57,8 tỷ USD). Nợ chính phủ liên bang, tương đương khoảng 579 tỷ AUD (387,6 tỷ USD) vào thời điểm bắt đầu đại dịch, dự kiến sẽ "nở" thành 1.000 tỷ USD hoặc cao hơn thế.

Tại Mỹ, thâm hụt ngân sách liên bang đang phát triển từ mức dưới 1.000 tỷ USD vào tài khóa trước lên ngưỡng 3.700 tỷ USD trong tài khóa hiện tại, với khả năng có thể tăng cao hơn nữa nếu xuất hiện thêm một gói hỗ trợ tài chính khác.

Nợ công của Mỹ đã ở mức 16.800 tỷ USD trong năm 2019. Vào tháng trước, con số này là 20.300 tỷ USD và dự báo sẽ đạt khoảng 26.500 tỷ USD trong tháng này, khi các chính sách tài khóa ban đầu để ứng phó với đại dịch được triển khai.

Tuy nhiên, không chỉ có nợ chính phủ đang tiếp tục tăng lên. Trong báo cáo vừa công bố tuần qua của nhà quản lý quỹ toàn cầu Janus Henderson, tác giả đã chỉ ra rằng những khoản vay mượn của các công ty toàn cầu đã tăng 8,1%, lên mức kỷ lục 8.300 tỷ USD vào tháng Một, ghi nhập tốc độ tăng nợ nhanh nhất trong vòng 5 năm. 

Nhưng đó là thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Dự báo, con số này sẽ tăng thêm 12%, tương đương 1.000 tỷ USD trong năm nay, trong đó gần một nửa số nợ mới thuộc về các công ty Mỹ.

Dự báo của chuyên gia Janus Henderson có lẽ cũng khá "cực đoan" khi cho rằng các công ty Mỹ đã vay gần 750 tỷ USD trong quý I/2020 và không giống như các công ty Australia đã huy động được hơn 30 tỷ AUD (20,4 tỷ USD) vốn chủ sở hữu trong năm nay, những doanh nghiệp này vẫn thích nợ hơn là bổ sung vốn chủ sở hữu .

Đã có một làn sóng hạ xếp hạng tín dụng và sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các công ty lớn vỡ nợ tại Mỹ. Khi hỗ trợ tài chính giảm, mức độ khó khăn của các công ty và thất bại có thể sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, những căng thẳng trong khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì nhiều người trong số đó đã mất đi thu nhập do các lệnh phong tỏa và hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, trong khi lãi suất trên các khoản nợ, ngay cả khi việc thanh toán đã được trì hoãn hoặc tái cơ cấu lại nợ, thì nợ vẫn tiếp tục tăng lên. Nhiều doanh nghiệp khó trụ vững được cho tới khi đại dịch kết thúc.

Trong khi đó, Australia đã tiến vào đại dịch với một trong những tỷ lệ nợ hộ gia đình trên mức thu nhập cao nhất thế giới. Các khoản lỗ thu nhập và nợ trả chậm, gia hạn trả nợ cho ngân hàng chỉ làm trầm trọng thêm mức độ căng thẳng, ngay cả khi những hộ gia đình đó duy trì thu nhập và trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu. 

Do đó, khi đại dịch gây ra một sự gia tăng lớn về con số thất nghiệp, khiến nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp bị mất thu nhập trong các nền kinh tế phát triển, thì di sản là một sự gia tăng khổng lồ mức nợ trong các nền kinh tế.

Đối với các chính phủ và ngân hàng trung ương, di sản này - đến sau một thập kỷ tăng trưởng thấp và nợ tăng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - sẽ là một hạn chế đối với các chính sách trong tương lai. 

Nợ liên quan tới đại dịch sẽ có thể được dự báo là tăng trưởng thấp nhất, ảnh hưởng đến chính nguồn thu của chính phủ, khi các chính phủ cố gắng kiểm soát ngân sách và các khoản vay không bền vững, hạn chế chi tiêu ít nhất là trong năm tới.

Đối với các ngân hàng trung ương, đại dịch rõ ràng đã "khóa" họ vào một môi trường có tỷ lệ từ âm đến cực thấp. Tuy nhiên, các cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính của mình. Một tỷ lệ lãi suất thực và tín dụng dồi dào sẽ khuyến khích sức mạnh đòn bẩy và buộc các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ngày càng tăng. Hậu quả là bong bóng đầu cơ có thể xuất hiện.

Thêm một kỷ nguyên khác của các loại chính sách mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã theo đuổi kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 làm biến dạng thêm mọi thứ được coi là bình thường trong các chính sách tiền tệ và thiết lập thị trường tài chính của giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Để đối phó với những thiệt hại gây ra cho các nền kinh tế thực, các ngân hàng trung ương có thể lại tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác, khi kết hợp giữa mức nợ không bền vững và một bong bóng khổng lồ của thị trường chứng khoán, vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định đại dịch đến một lúc nào đó sẽ kết thúc, nhưng những di sản sẽ còn tồn tại và kéo dài, có thể là trong vòng một thập kỷ tới hoặc thậm chí là một thế hệ sau này vẫn sẽ tiếp tục phải vật lộn với những gì mà khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch đã tạo ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục