Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế tại các vùng khó

09:21' - 05/09/2022
BNEWS Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn đến cuối năm 2021 là 89,59% dân số, giảm hơn 4% so với cuối năm 2020, tương đương gần 38.000 thẻ bảo hiểm y tế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 25 xã thuộc 8 huyện không thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tích cực vận động người dân tại các xã này tham gia bảo hiểm y tế. 

 

Khó khăn do không được cấp thẻ

Xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, là một trong những địa phương không còn thuộc nhóm được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Từ tháng 7/2021, xã đã có hơn 3.000 người bị dừng hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, đa số người dân trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức tự nguyện rất ít.

Làng Kon Hơ Ngo Klah, xã Ngọc Bay có 277 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu, chủ yếu là người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Bahnar). Đến nay, làng mới chỉ có khoảng 500 người tham gia bảo hiểm y tế; chủ yếu thuộc các nhóm đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế, hoặc những người thường xuyên đau ốm, phụ nữ mang thai…

Ông A Đổi (sinh năm 1968, làng Kon Hơ Ngo Klah) cho biết, gia đình ông có 10 người, thuộc ba thế hệ cùng sinh sống. Trước tháng 7/2021, cả gia đình ông đều có thẻ bảo hiểm y tế nên mỗi khi ốm đau, mọi người đều vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám.

Tuy nhiên, từ khi không còn được cấp thẻ bảo hiểm, chỉ khi đau ốm nặng, ông và gia đình mới ra các tiệm thuốc tây để mua thuốc điều trị dựa theo triệu chứng bệnh. Đến nay, gia đình ông mới mua được hai thẻ bảo hiểm y tế, một cho người thường xuyên đau ốm, một cho người con gái đang mang thai.

Ông A Đổi tâm sự: Lo nhất là khi đau ốm phải vào viện, chi phí rất cao mà gia đình lại không có tiền. Nếu mượn tiền người ta để thanh toán thì đến mùa thu hoạch nông sản trả nợ được. Ông cũng biết mua bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi khi vào viện.

Tuy nhiên, do nhà đông người, đi làm một ngày công chỉ được 120.000 đồng, chi phí sinh hoạt tăng cao nên ông chỉ còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng, không đủ tiền mua bảo hiểm y tế.

Tương tự, huyện Đăk Hà cũng có 3 xã Đăk La, Đăk Uy và Đăk Ngọc với hơn 3.000 người bị dừng hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Ông A Lang (thôn 9, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) chia sẻ, gia đình ông có 11 người, song chỉ có 1 người con gái thường xuyên đau ốm được ông mua thẻ bảo hiểm y tế.

Cuối tháng 7/2022, vợ ông bị đau ruột thừa, phải mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum với chi phí lên đến hơn 6 triệu đồng. Do không có thẻ bảo hiểm y tế nên ông buộc phải vay mượn nhiều nơi để chi trả tiền viện phí, đợi đến mùa thu hoạch cà phê sẽ trả nợ.

Ông A Duy, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 9, xã Đăk La cho biết: Thôn có 229 hộ với gần 1.300 nhân khẩu thì chỉ có khoảng 20-30% người dân có thẻ bảo hiểm y tế, thay vì 100% như trước đây.

Bà con trong thôn cũng mong muốn có thẻ nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chủ yếu chỉ mua được cho người ốm đau, bệnh tật, phụ nữ mang thai. Bình thường cứ ốm nhẹ là tự đi mua thuốc điều trị, không đi khám tại bệnh viện.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Chị Y Teng, cán bộ văn hóa - xã hội xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, cho biết, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế được chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên tại các buổi chào cờ đầu tuần hay lồng ghép vào các buổi hội, họp thôn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, đa số các hộ dân đi làm thuê chỉ đủ ăn hàng ngày, lo cho con cái ăn học, không đủ để tích góp mua bảo hiểm y tế.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, chia sẻ, Bảo hiểm xã hội huyện đã phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lại bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, đời sống người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, nên tỷ lệ tham gia lại vẫn còn ít, chưa đạt yêu cầu. Trước tháng 7/2021, huyện Đăk Hà có trên 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế trên; đến nay con số này chỉ còn khoảng 91%.

Theo ông Nguyễn Tấn Sang, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum, qua nắm bắt thực tế, đa số người dân bị ngừng hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, nhất là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ít có khả năng tham gia bảo hiểm y tế tự đóng. Bên cạnh đó, hầu hết gia đình người dân tộc thiểu số đông nhân khẩu nên việc tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ cho các thành viên trong gia đình khó thực hiện được.

Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với chính quyền cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Qua tuyên truyền, đa số người dân đã hiểu và thấy được lợi ích của chính sách, song vì hoàn cảnh kinh tế gia đình nên chưa thể tham gia bảo hiểm y tế kịp thời. Đến nay, mới chỉ có khoảng 18.500 người tham gia lại bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Tấn Sang nhấn mạnh: Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến người dân trên địa bàn dưới nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền; trong đó tập trung tuyên truyền trực tiếp theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế bằng các hình thức như sử dụng hệ thống đại lý thu, sử dụng cán bộ ngành bảo hiểm xã hội, bưu điện…; tổ chức phân nhóm đối tượng theo các tiêu chí để xác định, đưa ra hình thức vận động phù hợp.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum cũng đề xuất, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài Chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với người dân tộc thiểu số bị ngừng hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 861/QĐ-TTg để người dân từng bước phát triển sản xuất nhằm ổn định cuộc sống thích ứng với chính sách mới, không gây biến động đột ngột về chính sách đang được thụ hưởng.

Cụ thể: ngân sách nhà nước tiếp tục đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (tối thiểu là 70% mức đóng) kể từ khi có Quyết định của cấp có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Tấn Sang mong muốn HĐND tỉnh quan tâm, hỗ trợ thấp nhất bằng 30% mức đóng do người bị ngừng hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn. Riêng nhóm học sinh, sinh viên và hộ nông lâm có mức sống trung bình, ngân sách địa phương đã hỗ trợ 10% theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tăng tỷ lệ hỗ trợ cho hai nhóm này từ 10% lên dần theo từng năm, mỗi năm thêm 10%, đến khi đạt 70% mức đóng của người tham gia bảo hiểm y tế./.

>>>VCCI: Nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường và quyền lợi bảo hiểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục