Thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động

09:48' - 02/09/2022
BNEWS Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, qua thanh tra, rà soát cho thấy nhiều doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kéo dài với số nợ lớn.

Tính đến hết tháng 7/2022, tỉnh Gia Lai còn khoảng 2.300 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với tổng số tiền lên đến 99 tỷ đồng, bằng 4% kế hoạch thu.

Trong đó, 643 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền 48 tỷ đồng và 166 đơn vị nợ khó thu hồi. Việc các doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm kéo dài khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi.

Nhiều doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, qua thanh tra, rà soát cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kéo dài với số nợ lớn như: Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 406, Chi nhánh Công ty Sông Đà 901 (thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 9); Công ty cổ phần Đông Hưng…

 

Đặc biệt, một số doanh nghiệp mặc dù chỉ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 1-2 lao động nhưng cũng không đóng nhiều tháng liền với số tiền nợ lên đến hàng trăm triệu đồng như: Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Tây Nguyên chỉ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 1 lao động, nhưng đến nay đã nợ đến 85 tháng với số tiền hơn 432 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác khoáng sản Đức Sang Gia Lai đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 2 lao động nhưng nợ lên đến 63 tháng với số tiền gần 300 triệu đồng.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Theo nguyên tắc bảo hiểm xã hội là có đóng, có hưởng, đóng đến đâu giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động đến đó. Trường hợp các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, dẫn đến các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản… không được giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, người lao động còn chịu thiệt vì không được gia hạn thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh và không được hưởng quyền lợi về trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc, ngừng việc. Cùng với đó, người lao động cũng không được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

 

Triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ đọng

Trước tình trạng các doanh nghiệp trên địa bàn cố tình nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, cuối tháng 6/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh mời 16 đơn vị chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội với số nợ lớn, lên làm việc để làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Tại buổi làm việc, hầu hết các đơn vị này đều cho rằng, việc nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài là do đặc thù công việc kinh doanh của các doanh nghiệp nên chưa thu được nợ. Đồng thời do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các đơn vị gặp khó khăn về tài chính.

Về vấn đề này, đại diện Công an tỉnh Gia Lai khẳng định, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải chuyển trả số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian sớm nhất và có cam kết lộ trình nộp tiền vào Quỹ Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Các đơn vị nợ nhiều, kéo dài, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là vi phạm các quy định của pháp luật.

Cùng quan điểm với Cơ quan Công an, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Tuấn cho biết: Bộ luật Hình sự đã quy định rõ nội dung này tại Điều 214, 215, 216. Các đơn vị cần nghiêm túc chấp hành, nếu không thực hiện theo đúng cam kết, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ căn cứ các quy định của pháp luật, hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho Cơ quan Công an xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục gửi thông báo chậm đóng, nợ đóng đến các đơn vị và thực hiện công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Trần Ngọc Tuấn thông tin thêm: Việc nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài là thực trạng đáng lo ngại nhiều năm qua tại tỉnh. Để xử lý tình trạng này, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh 2 vụ việc doanh nghiệp gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đối với mình. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm cần thông báo cho tổ chức Công đoàn hoặc Bảo hiểm xã hội tỉnh để kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, bảo vệ quyền lợi cho công nhân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục